Học sinh TH School tranh tài cùng 1.000 "Học giả nhí" tại Đại học Yale
Hiện nay, World Scholar’s Cup (WSC) là một trong những cuộc thi quốc tế uy tín nhất dành cho học sinh phổ thông, nhằm tuyển chọn và đào tạo nên một cộng đồng các nhà lãnh đạo và học giả tương lai của thế giới. Thay vì tập trung ghi nhớ các dữ liệu/bài học, WSC khuyến khích học sinh ứng dụng tri thức toàn diện và liên hệ tới thế giới xung quanh, cũng như phát triển các kỹ năng tranh biện, viết, tiếng Anh…. Năm nay, vòng loại khu vực và Thế giới đều được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của hơn 10.000 học sinh toàn cầu.
Là một trong những đội chơi đến từ Việt Nam, TH School đã xuất sắc giành 6 tấm vé vàng vào Chung kết Thế giới ngay lần đầu tiên tham gia. Trải qua 4 ngày thi đấu tại khuôn viên một trong top các ngôi trường nổi tiếng nhất thế giới Đại học Yale (Mỹ) cùng gần 1000 học sinh trung học tới từ hơn 40 nước, 2 đội của TH School (quy định mỗi đội gồm 3 thành viên – PV) đã đóng góp vào thành tích chung của các trường Việt Nam tổng cộng 23 huy chương các loại như: 1 giải Vàng thi Viết, 3 giải Bạc Tranh biện cá nhân, 1 giải Bạc Tranh biện đồng đội,… Trong đó, em Nguyễn Anh Trung (học sinh lớp 11) đã giành được 9 huy chương và lọt top 17 học sinh xuất sắc trong nhóm môn Xã hội.
“Chủ đề cuộc thi năm nay là “An Unlikely World – Một thế giới đầy biến động” đã đưa ra rất nhiều khía cạnh, đề tài thú vị cho phần thi tranh biện. Trong vòng thi Chung kết này, em ấn tượng nhất là đề tài “Chúng ta cần luôn luôn chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”. Những đề tài mở khiến thí sinh phải tư duy, vận dụng hiểu biết ở nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ có trong sách vở như vậy khiến em rất hào hứng.” Nguyễn Anh Trung vui vẻ chia sẻ.
Tham gia WSC học sinh không những được tăng thêm hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau, mà còn được học cách liên kết các lĩnh vực đó lại và kết nối nhìn ra các vấn đề của thế giới. Để có thể làm chủ được các kỹ năng toàn diện cũng như phương thức tư duy như vậy cần một thời gian dài để tích lũy.
Nói về quá trình chuẩn bị cho cuộc thi, Bùi Nguyễn Phương Như (lớp 11), Giải Bạc cá nhân và Giải Bạc đồng đội phần thi Tranh biện, cho biết các em không thực sự có một giai đoạn “luyện gà nòi” để tập trung riêng cho cuộc thi cũng như không có huấn luyện viên chuyên nghiệp được mời về đào tạo riêng. “Những kỹ năng như viết bài luận, thuyết trình, tranh biện,… em thường xuyên phải thực hành vì chương trình học tại trường yêu cầu như vậy. Ngoài ra, nhóm em đều chủ động sắp xếp thời gian tự học, tự nghiên cứu thêm cùng nhau với sự hỗ trợ từ thầy cô giáo.”
Bên cạnh Chương trình học chú trọng phát triển toàn diện, TH School còn có quan điểm giáo dục hiện đại khi trao quyền làm chủ việc học cho học sinh. Học sinh TH School được tạo điều kiện để chủ động tìm kiếm các cuộc thi, cơ hội học tập và nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ lớn từ thầy cô và Nhà trường. “Trong cuộc thi WSC, chúng em nhận được sự động viên lớn từ thầy cô. Thầy Hiệu trưởng đích thân dẫn cả nhóm tới Đại sứ quán xin visa, cô Daryl Morgan, giáo viên tiếng Anh luôn là người đồng hành với nhóm từ những ngày đầu tiên đăng ký”- Lê Hồng Thụy, Giải Bạc Tranh biện cá nhân và Đồng đội cho biết.
Học sinh TH School trong tà áo dài, giới thiệu về các đặc trưng của Việt Nam tại Hội chợ Văn hóa trong khuôn khổ WSC 2017
Ngày nay, để theo kịp những xu hướng mới của thế kỷ XXI, giáo dục toàn cầu đã tập trung vào phát triển kỹ năng tư duy phản biện, khả năng phân tích... Đó là lý do vì sao các chương trình quốc tế như IPC, IMYC, AS/Alevel… ở TH School luôn tạo mọi cơ hội để học sinh suy nghĩ và đưa ra các vấn đề hấp dẫn để thách thức tư duy của người học.
“Nội dung học có thể tìm kiếm trên mạng, nhưng cách bạn suy nghĩ thì không thể. Do đó, giáo dục cần giúp người học hiểu rằng việc học thực chất là hành trình tìm tòi ẩn chứa nhiều điều bất ngờ thú vị.” Thầy Pete Kenedy, Tổng Hiệu trưởng Hệ thống Trường TH School chia sẻ.
Chương trình học chú trọng phát triển toàn diện cùng phương pháp học khuyến khích sự chủ động của học sinh tại TH School đã tạo một nền tảng vững chắc cho học sinh khi tham gia các “đấu trường” quốc tế cũng như chuẩn bị cho cuộc sống tương lai trong một thế giới đầy biến động của thế kỷ 21.
Trong khuôn viên của Đại học Yale (Mỹ), từ ngày 11/11 đến 14/11/2017, gần 1.000 học sinh đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới đã tranh tài trong Cuộc thi World Scholar’s Cup tại 4 nội dung: The Bowl (lựa chọn câu trả lời đúng), The Challenge (thi trắc nghiệm), Collaborative Writing (bài viết), Debate (tranh biện).
Mỗi đội tuyển tham gia cuộc thi bao gồm 3 thành viên có tinh thần đồng đội cao và có kiến thức sâu, rộng trong 6 lĩnh vực: khoa học, lịch sử/chính trị, xã hội, văn học, nghệ thuật và một chủ đề đặc biệt.
Đây được xem là cuộc thi Học thuật Quốc tế của Mỹ bằng tiếng Anh dành cho học sinh Trung học toàn thế giới. Mỗi năm cuộc thi thu hút hơn 60 quốc gia với hàng ngàn học sinh từ nhiều trường trung học trên thế giới.