Hội đồng xét xử thận trọng xem xét, đánh giá toàn diện vụ án
Tại buổi tranh luận ngày 9/6, VKS khẳng định, bản án sơ thẩm xử phạt ông Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM), Lê Tấn Hùng (cựu Tổng Giám đốc SAGRI) cùng các đồng phạm là đúng người, đúng tội.
Theo VKS, gia đình ông Tuyến có công với cách mạng, có đóng góp trong công tác phòng chống COVID-19 nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho ông từ 6 tháng đến 1 năm tù (án sơ thẩm 6 năm tù).
Với kháng cáo của ông Hùng, chủ mưu trong vụ án, bị cáo Lê Tấn Hùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt (án sơ thẩm tuyên phạt 25 năm tù về hai tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí).
VKS xác định ông Lê Tấn Hùng thành khẩn khai báo, đã khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho ông này sáu tháng đến một năm tù.
Ông Lê Tấn Hùng với vai trò chủ mưu xuyên suốt vụ án được VKS đề nghị giảm án |
Đối với kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu giám đốc Sở Xây dựng TP HCM), đại diện VKS cho là ông Tuấn đã có hành vi sai phạm trong việc tham mưu cho ông Tuyến chấp thuận chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Ông Tuấn là Giám đốc Sở Xây dựng, chủ tịch Hội đồng thẩm định, ý thức được tầm quan trọng trong việc thẩm định hồ sơ, bị cáo buộc phải biết chuyển nhượng tài sản nhà nước phải được thực hiện theo quy định của Luật đất đai, Luật quản lý vốn… nhưng bị cáo chỉ thực hiện theo Luật kinh doanh bất động sản là thiếu sót. VKS ghi nhận quá trình công tác, ông Tuấn có nhiều thành tích, bằng khen, giấy khen. Án sơ thẩm xử phạt bị cáo Tuấn sáu năm tù.
Tự bào chữa, cựu giám đốc Sở Xây dựng vẫn cho rằng mình bị oan. Theo ông Tuấn, việc kháng cáo kêu oan không phải là không thành khẩn, cố chấp để bảo vệ cái sai mà vì bị cáo cho rằng dự án này không phải đấu giá.
Ông Tuấn phân tích Quyết định 6077 chấp thuận cho chuyển nhượng toàn bộ dự án là phù hợp quy định của pháp luật. Quyết định này là văn bản hành chính cá biệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản, không phải là văn bản cho phép chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại SAGRI. Nếu không có quyết định này thì các bên không thể chuyển nhượng dự án bất động sản.
Đây không phải là nguyên nhân dẫn đến việc SAGRI vi phạm pháp luật khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng dự án mà vì đơn vị không chấp hành chỉ đạo của UBND trong Quyết định 6077. Khi phát hiện sai phạm, SAGRI đã hủy hợp đồng với Công ty Phong Phú và đây là giao dịch hợp pháp. Doanh nghiệp chủ động sửa sai và được khắc phục trước khi khởi tố vụ án.
Tài sản nhà nước không bị thất thoát từ việc chuyển nhượng dự án và chuyển nhượng toàn bộ số vốn mà SAGRI đã đầu tư trong dự án này. Án sơ thẩm không buộc bị cáo nào phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản nên bị cáo không thể phạm tội theo Điều 219 BLHS là loại tội phạm cấu thành vật chất, buộc phải có thiệt hại xảy ra và phải bồi thường thiệt hại.
Luật sư của ông Tuấn cho rằng cần hủy án hoặc giảm sâu cho bị cáo hưởng mức án ba năm án treo. Ông Tuấn kháng cáo toàn bộ bản án nên HĐXX cần xem xét toàn bộ nội dung vụ án chứ không phải kêu oan thì không giảm án.
Bị cáo Trần Trọng Tuấn kêu oan từ phiên tòa sơ thẩm đến phúc thẩm và có thay đổi luật sư |
“Là một bị can, bị cáo trong vụ án hình sự này, quá trình tham gia tố tụng cũng chính là quá trình tự kiểm điểm bản thân. Bị cáo nhận thiếu sót có phần chủ quan khi tham mưu văn bản cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản do một doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư, vì nghĩ rằng, các nội dung chỉ đạo, giao nhiệm vụ đều được ghi rõ trong văn bản, từ đó, các cơ quan, đơn vị sẽ chủ động thực hiện theo quy định, phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là Chi cục Tài chính doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn là một doanh nghiệp lớn, có quá trình hoạt động lâu năm, có bộ máy đầy đủ, sẽ hiểu và nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp không được hướng dẫn và doanh nghiệp cũng không thực hiện đúng quy định, dẫn đến sai phạm khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng dự án. Nếu lường trước được một thực tế như vậy thì tôi đã tham mưu văn bản giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng liên quan hướng dẫn, theo dõi việc chuyển nhượng vốn mà doanh nghiệp đã đầu tư trong dự án này.
Bị cáo xin đề nghị Hội đông xét xử xem xét, đánh giá tính khách quan, công tâm và minh bạch của các bị cáo là cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện công vụ; Đồng thời, cũng có ý nghĩa quan trọng khi đánh giá yếu tố lỗi về sai sót trong hành vi công vụ của các bị cáo là cán bộ, công chức trong vụ án này”, bị cáo Trần Trọng Tuấn nói.
Luật sư của ông Trần Vĩnh Tuyến có bài bào chữa 58 trang cho rằng nguồn gốc và nguyên nhân xảy ra sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án giữa SAGRI và Công ty Phong Phú đều diễn ra trước thời điểm ông Tuyến được phân công nhiệm vụ phó chủ tịch UBND TP HCM.
Quyết định 6077 mà ông Tuyến ký là theo thẩm quyền nhiệm vụ đã được phân công và thực hiện tiếp tục công việc thuộc lĩnh vực của một phó chủ tịch khác nghỉ phép sau đó nghỉ làm vì lý do sức khỏe. Ông Tuyến cũng đã cẩn trọng yêu cầu Văn phòng UBND TP kiểm tra, rà soát các vấn đề từ kết luận thanh tra toàn diện đối với SAGRI trước khi ký.
Về lời khai biết sai vẫn ký, luật sư phân tích là nhờ sự phân tích của cơ quan điều tra và VKS vào thời điểm đã khởi tố, thông qua các buổi làm việc và hỏi cung chứ không phải tại thời điểm ký Quyết định 6077.
Trước khi HĐXX nghị án, các bị cáo nói lời sau cùng, riêng ông Tuyến không có ý kiến.