Vụ án sai phạm tại SAGRI: Xuất hiện thêm nhiều tình tiết mới
Xét xử vụ án tại SAGRI: Ông Trần Trọng Tuấn khẳng định đã làm đầy đủ trách nhiệm Xét xử vụ án sai phạm tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn |
Đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự
Trong phiên xét xử sáng 13/12, bị cáo Lê Tấn Hùng, cựu Tổng Giám đốc SAGRI bị Viện Kiểm sát đề nghị hội đồng xét tuyên phạt 14 - 16 năm tù về tội “Tham ô tài sản” và 12 - 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Trong phần tự bào chữa của mình, ông Hùng cho biết: Khi mới về làm việc tại SAGRI, đơn vị đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, bản thân bị cáo cùng các lãnh đạo SAGRI luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.
Bị cáo Lê Tấn Hùng, cựu Tổng Giám đốc SAGRI |
Về hành vi tham ô tài sản, bị cáo Hùng khẳng định mình không có động cơ vụ lợi. Việc chỉ đạo cấp dưới lập khống 10 hợp đồng nhằm chăm lo, chia sẻ thành quả cho người lao động và cho người lao động ra ngoài để học tập kinh nghiệm.
"Tôi xin cam đoan với lương tâm, cả cuộc đời tôi không chỉ vì hành vi này mà phải đánh đổi. Sự việc ảnh hưởng tới gia đình tôi, mong tòa xem xét hình phạt phù hợp với sai phạm của tôi”, bị cáo Hùng trình bày trước Tòa.
Cựu Tổng Giám đốc SAGRI cho rằng, việc chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B là thực hiện theo chủ trương đã có từ trước và theo hướng dẫn chỉ đạo của thành phố.
Tại phiên tòa, ông Trần Vĩnh Tuyến, bị cáo buộc là người ký quyết định chấp thuận cho Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) chuyển nhượng dự án khu dân cư tại phường Phước Long B, Quận 9 cho Tổng Công ty Phong Phú trái pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Với sai phạm trên, ông Tuyến bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 7 - 8 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến |
Tham gia bào chữa cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Luật sư Phan Trung Hoài cho biết: Trong suốt thời gian diễn ra vụ án, đối chiếu với lời khai của ông Trần Vĩnh Tuyến tại phiên tòa cho thấy xuyên suốt là sự thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm khi ký Quyết định 6077 (quyết định chấp thuận cho chuyển nhượng dự án) do có phần nể nang, ơn nghĩa như đã trình bày với Cơ quan điều tra trước đó... Luật sư cho rằng, quá trình này cũng thể hiện trạng thái tâm lý và nhận thức theo áp lực của tiến trình điều tra.
Khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Trần Vĩnh Tuyến đã có sự chuyển biến trong nhận thức, thừa nhận hành vi sai phạm liên quan trách nhiệm được phân công khi ký quyết định này.
Như vậy, ông Trần Vĩnh Tuyến khai nhận biết sai mà vẫn ký chính là nhờ sự phân tích của Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát vào thời điểm đã khởi tố vụ án và bị can, thông qua các buổi làm việc và hỏi cung, chứ không phải tại thời điểm ký chấp thuận chuyển nhượng. Do đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử khi đánh giá động cơ của ông Tuyến thì xem xét lời khai tại phiên tòa và diễn biến nhận thức về sai phạm.
Bên cạnh đó, luật sư Hoài còn cho rằng, trong vụ án này SAGRI không bị thiệt hại do hợp đồng chuyển nhượng đã bị hủy bỏ trước thời điểm khởi tố vụ án nên cáo trạng quy buộc ông Trần Vĩnh Tuyến gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 672 tỷ đồng là chưa bảo đảm căn cứ cả về mặt pháp lý và trên thực tế.
Từ những phân tích trên, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị Hội đồng xét xử miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Trần Vĩnh Tuyến.
Kết luận của giám định viên Bộ Xây dựng có sai sót
Đối với phần xét xử của bị cáo Trần Trọng Tuấn, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù có hai luật sư bào chữa nhưng bị cáo Tuấn vẫn tự bào chữa và cho rằng bản thân bị oan.
Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị mức án 7-8 năm tù bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, luật sư của bị cáo Tuấn cho rằng, việc tham mưu để ông Tuyến ký ban hành Quyết định số 6077 cho phép chuyển nhượng dự án là phù hợp quy định của pháp luật.
Giám định viên Bộ Xây dựng tham dự phiên tòa |
Quyết định 6077, theo các luật sư của ông Tuấn không phải là nguyên nhân dẫn đến SAGRI vi phạm liên quan việc không xác định giá chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong dự án bất động sản này theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, luật sư cho rằng không có chứng cứ để kết luận bị cáo Trần Trọng Tuấn có các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp như Viện Kiểm sát quy kết.
Cựu Giám đốc Sở Xây dựng cũng khẳng định không chỉ đạo, thúc ép cấp dưới hay vì động cơ tư lợi mà làm trái pháp luật. "Gần 30 năm làm cán bộ, công chức, bị cáo không bao giờ dám nghĩ đến việc làm sai hay vi phạm pháp luật dù bất cứ lý do gì", ông Tuấn nói thêm và đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét, đánh giá toàn diện sự thật khách quan để không làm oan sai cho mình.
Trong phiên tòa hôm nay, Giám định viên Bộ Xây dựng khẳng định việc chuyển nhượng một phần hay toàn bộ dự án đều tuân theo Luật Kinh doanh bất động sản.
Bị cáo Trần Trọng Tuấn, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh |
Trước câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến) đặt ra cho Giám định viên Bộ Xây dưng: Hướng dẫn của Điều 12 Nghị định 76 có quy định nào yêu cầu hồ sơ bắt buộc phải thẩm định giá và thực hiện nghĩa vụ tài chính không? Với hồ sơ của SAGRI và Công ty Phong Phú đối chiếu với Điều 51 Luật Kinh doanh bất động sản thì đã đủ điều kiện để UBND TP ra quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án hay không?
Trước câu hỏi này, Giám định viên im lặng khá lâu, sau đó trình bày: "Khu nhà ở dự án Phước Long B, Quận 9 (nay là thành phố Thủ Đức), đối chiếu với các quy định tại Điều 49 thì dự án tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9, TP Hồ Chí Minh đủ điều kiện để xem xét ban hành quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án.
Tuy nhiên, trong Quyết định 6077 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành chưa đủ nội dung theo mẫu số 11 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 76/2015/NĐ-CP".
Luật sư hỏi tiếp: "Nếu vậy, Giám định viên đánh giá thế nào về kết luận giám định mình đã ban hành?".
Giám định viên Bộ Xây dựng trả lời: “Trong quá trình dự tòa được nghe cáo trạng và theo dõi diễn biến phiên tòa, về vấn đề quản lý vốn trong việc chuyển nhượng dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính. Do vậy, quá khả năng nhận thức của tôi. Tôi thừa nhận có sai sót. Tôi kính mong Hội đồng xét xử xem xét”.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử |
Bị cáo Trần Trọng Tuấn cho rằng ở vụ án này có sự bất cập trong nhận thức áp dụng pháp luật. Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quản lý vốn Nhà nước cùng được ban hành trong một năm nhưng khi xử lý vấn đề chuyển nhượng vốn, dự án bất động sản của doanh nghiệp Nhà nước thì không có quy định.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng theo Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản, điều kiện tiến độ hạ tầng kỹ thuật chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, chứ không áp dụng với dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở. Đồng thời, điều này cũng không quy định về nghĩa vụ tài chính khi xem xét thẩm định, chuyển nhượng dự án bất động sản.
Ông Trần Trọng Tuấn khẩn thiết đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc và cẩn trọng trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án một cách công tâm, khách quan và phù hợp quy định của pháp luật, không gây oan trái cho bị cáo và các bị cáo khác có liên quan.
Luật sư Thái Văn Chung bào chữa cho ông Trần Trọng Tuấn đã đề xuất Viện Kiểm sát rút lại các cáo buộc đối với ông Trần Trọng Tuấn vi phạm Điều 219 Bộ luật Hình sự như đã nêu trong phần luận tội. Trong trường hợp Viện Kiểm sát không rút cáo buộc đối với ông Tuấn thì kiến nghị HĐXX tuyên ông Trần Trọng Tuấn không phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 2019 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.