Hội thảo báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VII - năm 2018
Đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập Báo Hànộimới phát biểu
Bài liên quan
Chung kết Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 45 - Vì hòa bình năm 2018
Kỷ niệm 60 năm báo Hànộimới xuất bản số hằng ngày đầu tiên
Công ty TNHH MTV In báo Hànộimới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập
Đoàn Thanh niên Báo Hànộimới tổ chức hành trình về nguồn tại Thái Nguyên
Đến dự hội thảo, về phía cơ quan Trung ương có đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về phía các cơ quan TP Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong, Uỷ viên Ban thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội; Tô Quang Phán, Thành uỷ viên, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội, Giám đốc Đài PTTH Hà Nội; cùng đại diện các sở, ngành thành phố.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo các đoàn Báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Báo Hải Phòng, Báo Đà Nẵng, Báo Sài Gòn Giải phóng, Báo Cần Thơ cùng đại diện 15 đoàn Báo Đảng địa phương đại diện cho các khu vực, vùng miền trung cả nước gồm: Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Thái Nguyên.
Về phía Báo Hànộimới có đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập Báo Hànộimới; các đồng chí trong Ban biên tập Báo Hànộimới.
Ngoài 5 cơ quan báo Đảng 5 thành phố trực thuộc trung ương, khách mời của hội thảo là 15 cơ quan báo Đảng các địa phương đại diện cho các khu vực, vùng miền trong cả nước. Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện các cơ quan trung ương, các sở, ban, ngành của TP Hà Nội. Theo Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long, hội thảo tập trung nêu những bài học kinh nghiệm, phương pháp triển khai, phát hiện những mô hình hay, cách làm hiệu quả để triển khai và xây dựng mô hình đô thị thông minh tại các địa phương; phản ánh bất cập, kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, từ đó có biện pháp khắc phục, nhằm tạo sự đồng thuận cao để triển khai, xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững.
Ngoài ra, từ thực tiễn hoạt động của mình, các cơ quan báo chí sẽ chia sẻ những cách làm mới trong công tác tổ chức, bố trí lực lượng phóng viên, đổi mới các biện pháp nghiệp vụ, khai thác lợi thế trong ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động báo chí, chủ động tận dụng không gian mạng cho nhiệm vụ tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ địa phương nói chung, tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững... Hội thảo còn là dịp để cơ quan báo Đảng các địa phương đại diện cho từng vùng, miền có thể trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, nhằm thực hiện hiệu quả vai trò, chức năng của báo chí trong tuyên truyền trước một vấn đề thời sự và quan trọng của mỗi địa phương, cũng như của đất nước; trong đó đặc biệt là việc thực hiện "Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1-8-2018.
Hà Nội từng bước xây dựng thành thành phố thông minh Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cho biết, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến toàn thế giới, Việt Nam cũng nằm trong quy luật chung. Việc phát triển thành phố thông minh là xu thế tất yếu của thế giới. Hiện thế giới có gần 200 thành phố tập trung xây dựng thành phố thông minh. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ lựa chọn xây dựng thí điểm 3 thành phố thông minh, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Điều này tạo cho Hà Nội nhiều cơ hội và cả những thách thức không nhỏ.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội phát biểu tại hội thảo |
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ, Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.300km2. Dân số theo hộ khẩu xấp xỉ 8 triệu, nhưng trên thực tế thường xuyên là trên 10 triệu người. Hà Nội là 1 trong 17 thành phố lớn của khu vực châu Á -Thái Bình Dương có xu hướng trở thành đại đô thị. Hiện nay, Hà Nội đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức trong đó có chuyện thiếu thốn, bất cập về hạ tầng xã hội, một loạt vấn đề về di dân tự do, ách tắc giao thông, quá tải dịch vụ công cộng… TP Hà Nội xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng thành phố theo đúng chủ trương, đó là xây dựng Hà Nội trở thành thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, tiến tới xây dựng thành phố thông minh, gắn với phát triển bền vững cũng như bảo tồn, phát triển văn hoá. Trong suốt thơi gian qua, Hà Nội tập trung xây dựng và ban hành các chính sách liên quan đến phát triển bền vững, ứng dụng thông tin, tạo tiện ích cho người dân. Một trong những công việc quan trọng là xây dựng kho dữ liệu dùng chung của thành phố…
Các cơ quan báo chí cần hỗ trợ, chia sẻ thông tin
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, hiện nay, Hà Nội là thành phố đầu tiên của cả nước xây dựng kho dữ liệu dùng chung cho toàn thành phố, trong đó có: Trung tâm điều hành chung cho cả giao thông, cứu hoả, cảnh sát… Hà Nội đã tập trung đầu tư ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực trong đó tập trung cho cải cách hành chính.
Đến nay, đã có 358 xã, phường, thị trấn đã được nội mạng, đang thực hiện dịch vụ công, 100% đóng thuế qua mạng; trong giáo dục đã sử dụng sổ liên lạc điện tử, số lượng đăng ký tuyển sinh đầu cấp tăng lên hằng năm; lĩnh vực y tế, đang lập hồ sơ bệnh án điện tử; lĩnh vực giao thông đã ứng dụng dịch vụ Iparking…
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, chủ trương xây dựng Hà Nội thành thành phố thông minh chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn từ nay đến năm 2020; giai đoạn từ 2020-2025; giai đoạn 3 là sau năm 2025… Để thực hiện chủ trương này, TP Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng các hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm ứng dụng trong quản lý điều hành, tạo các ấn phẩm tiện ích cho người dân… “Đây là xu thế tất yếu không thể không thực hiện, không chỉ thực hiện ở 3 thành phố mà tiến tới tất cả thành phố trên cả nước. Tuy nhiên khi vận dụng vào Việt Nam cần được đón nhận tự giác, tự nguyện, chấp thuận cao của nhân dân”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhận định.
Trước thách thức đó, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội khẳng định, cần phải xác định vai trò của báo chí trong việc truyên truyền cho công chúng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đồng chí Nguyễn Văn Phong hy vọng, từ hội thảo này, các báo Đảng của 5 thành phố trực thuộc Trung ương và các báo Đảng ở các địa phương sẽ có sự hỗ trợ, chia sẻ thông tin, cách thức tuyên truyền thành phố thông minh theo đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập Báo Hànộimới phát biểu |
Hội thảo lựa chọn chủ đề sát thực đối với đời sống Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho rằng, xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững đang là mục tiêu của rất nhiều thành phố trên thế giới. Tại Việt Nam, đã có gần 20 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đang triển khai, hoặc khởi động các đề án về xây dựng đô thị thông minh. Không nằm ngoài xu hướng đó, Thủ đô Hà Nội đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng đô thị thông minh với lộ trình cụ thể, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh, “Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, xứng đáng là trái tim của cả nước. Hội thảo Báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VII năm 2018 do Báo Hànộimới đăng cai tổ chức đã lựa chọn chủ đề sát thực đối với đời sống và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đó là: “Vai trò của báo chí trong tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững”.
Những tham luận mang tới Hội thảo từ các đoàn Báo Đảng các tỉnh, thành phố cũng như các sở, ngành của thành phố Hà Nội đều bám sát chủ đề trên với những nội dung, cách tiếp cận vấn đề phong phú, đa dạng, dựa trên thực tế sinh động của đời sống xã hội và điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng địa phương. Trong đó, nổi bật là hai nhóm nội dung: Thứ nhất: Nêu bật những bài học kinh nghiệm, phương pháp triển khai, phát hiện những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hiện thực hóa chủ trương triển khai và xây dựng mô hình đô thị thông minh tại các địa phương. Đồng thời phản ánh bất cập, kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn để các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục. Thứ hai: Từ thực tiễn hoạt động của mình, các cơ quan báo chí đã chia sẻ những cách làm mới trong công tác tổ chức, bố trí lực lượng phóng viên, đổi mới các biện pháp nghiệp vụ về công tác báo chí, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện, khai thác triệt để những lợi thế trong ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động báo chí, chủ động tận dụng không gian mạng cho nhiệm vụ tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương nói chung, tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững nói riêng.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về thành phố thông minh ASO CIO 2018 tổ chức tại Hà Nội vừa qua, các chuyên gia cho rằng, với Việt Nam, có thể nghiên cứu 3 mô hình phát triển thành phố thông minh phù hợp với đặc điểm Việt Nam, đó là: Mô hình phát triển toàn diện phù hợp với những đô thị lớn, có tiềm lực về kinh tế, khoa học kỹ thuật như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Mô hình phát triển theo lợi thế riêng của từng thành phố; Mô hình theo sau ổn định học hỏi kinh nghiệm từ các đô thị khác. “Với khuyến cáo này, rõ ràng các đô thị dù quy mô to hay nhỏ, điều kiện kinh tế - xã hội có thể khác nhau, trình độ phát triển khác nhau... song đều bình đẳng như nhau trong quyền tiếp cận mô hình phát triển đô thị để đi tới tương lai phát triển hiệu quả, bền vững. Có thể là lựa chọn mục tiêu "thông minh" vào giải quyết các vấn đề cấp bách như quản lý giao thông, đô thị, an ninh trật tự, môi trường... hay những ngành, nghề lợi thế riêng như sản xuất nông nghiệp, quản lý phát triển du lịch... Hoặc có thể triển khai nhiều mục tiêu tổng thể hơn trên phạm vi rộng thông qua ứng dụng những nền tảng công nghệ mới vào quản lý là: Internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... Trong quá trình tìm kiếm mô hình, từng bước ứng dụng công nghệ vào phát triển đô thị thông minh - rõ ràng vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông là vô cùng quan trọng”, Tổng Biên tập Báo Hànộimới nói. Hội thảo Báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VII, năm 2018 với chủ đề “Vai trò của báo chí trong tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững” chính là dịp để cơ quan Báo Đảng các địa phương đại diện cho từng vùng, miền có thể trao đổi, giao lưu, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, nhằm thực hiện hiệu quả vai trò, chức năng của báo chí trong công tác tuyên truyền trước một vấn đề rất thời sự và quan trọng của mỗi địa phương cũng như đất nước.
Một số hình ảnh tại hội thảo
Các đại biểu chụp hình lưu niệm |