Hơn 13.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn và ma túy
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông thực hiện kiểm tra nồng độ cồn |
Theo Trung tá Vũ Anh Điệp, trong 13.129 trường hợp vi phạm trên, có 6 trường hợp điều khiển xe khách, 73 trường hợp điều khiển xe tải, 499 lái xe ôtô con, 21 lái xe container, 12.491 người điều khiển xe môtô...
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các đơn vị, địa phương đã lập biên bản toàn bộ các trường hợp vi phạm, phạt tiền 59,3 tỷ đồng, tạm giữ 13.129 phương tiện, tước 8.568 giấy phép lái xe. So với tháng liền kề trước đó giảm 754 trường hợp.
Trong số 13.046 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, có 6.105 trường hợp vi phạm ở mức 1 (dưới 0,25 mg/1 lít khí thở), gồm 1 trường hợp xe khách, 39 xe tải, 287 xe con, 7 xe container, 5.746 xe môtô, 22 xe đạp máy, 3 phương tiện khác.
Có 2.288 trường hợp vi phạm ở mức 2 (từ 0,25 mg - 0,4 mg/1 lít khí thở), gồm 8 xe tải, 77 xe con, 6 xe container, 2.189 xe môtô, 7 xe đạp máy và 1 phương tiện khác.
Đặc biệt, vẫn có tới 4.370 trường hợp vi phạm ở mức 3 (trên 0,4 mg/1 lít khí thở), trong đó có 1 tài xế xe khách, 11 tài xế xe tải, 107 tài xế xe con, 6 tài xế xe container, người điều khiển xe môtô là 4.239, xe đạp máy là 5 và 1 người điều khiển phương tiện khác.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các đơn vị địa phương cũng xử lý 283 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn (1 xe tải, 5 xe con, 1 xe container, 276 môtô).
Bên cạnh đó, đã có 83 trường hợp điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy bị phát hiện (4 xe khách, 14 xe tải, 23 xe con, 1 xe container, 41 xe môtô), phạt tiền gần 1,8 tỉ đồng, tước giấy phép lái xe 80 trường hợp, tạm giữ 83 phương tiện.
Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện 34 vụ có dấu hiệu tội phạm, bắt giữ 36 đối tượng, trong đó có 7 vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy, 1 vụ chống người thi hành công vụ, 25 vụ vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Trong thời gian trên, Công an các địa phương tiếp tục chủ động chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông có hiệu quả công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, tình hình tai nạn giao thông đường bộ giảm cả 3 tiêu chí.
Cụ thể, toàn quốc xảy ra 1.317 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 584 người, bị thương 1.018 người. So với thời gian cùng kỳ năm 2019, tai nạn giao thông giảm 303 vụ (giảm 18,7%), giảm 64 người chết ( giảm 9,8%), giảm 259 người bị thương (giảm 20,28%).
Thời gian tới, Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục chỉ đạo Cảnh sát giao thông Công an các địa phương thực hiện có hiệu quả kế hoạch, nhằm ngăn chặn kịp thời các vụ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trong đó tập trung xử lý các hành vi cao dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, ma túy.
"Từ nay đến cuối năm, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc tập trung tuyên truyền, tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ, tiếp tục tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đảm bảo giao thông trật tự, an toàn tuyệt đối phục vụ bảo vệ Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời phòng ngừa ùn tắc và tai nạn giao thông," Trung tá Vũ Anh Điệp nhấn mạnh.
Trước đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang tổ chức tập huấn tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông năm 2020 cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ năm 2012 đến nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, tai nạn giao thông đã liên tục được kéo giảm cả về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng mặc dù số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương giảm trong 10 tháng năm 2020 nhưng tình hình tai nạn giao thông vẫn rất phức tạp, số vụ tai nạn giao thông còn nhiều, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông còn cao.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về ý thức tuân thủ các quy định pháp luật và hành vi vi phạm quy tắc tham gia giao thông an toàn, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn”, ông Hùng lưu ý.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, kèm theo đó là Nghị định 100 đã tăng mạnh chế tài xử phạt đối với người đã sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đến nay, người dân ủng hộ và chấp hành rất tốt Luật và Nghị định này khi tham gia giao thông.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, đánh giá thực tế, qua công tác tuần tra xử lý về nồng độ cổn trong thời gian qua cho thấy đã xảy ra nhiều vụ việc người vi phạm không chấp hành yêu cầu của lực lượng làm nhiệm vụ, có thái độ thách thức, gây rối nên quá trình thực thi công vụ của lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng liên quan khác gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Trần Anh Thư, các lực lượng cần có kỹ năng xử lý tình huống vừa mềm mỏng vừa kiên quyết, nghiêm minh; đồng thời giải thích cho người điều khiển phương tiện hiểu rõ lỗi vi phạm, đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông; từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu, bia không lái xe".
Từ năm 2016-2019, trên địa bàn An Giang, tai nạn giao thông được kìm chế và kéo giảm cả về số vụ và số người chết qua từng năm.
Tuy nhiên, trong 7 tháng năm nay, số người chết do tai nạn giao thông tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Để kìm chế tai nạn giao thông trong các tháng cuối năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo nhiều giải pháp mạnh, cụ thể và quyết liệt.
Sau 4 tháng triển khai các giải pháp, đến tháng 11, số người chết trên địa bàn tỉnh đã giảm xuống còn 22%, nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2019.
An Giang phấn đấu đến cuối năm 2020 cố gắng kéo giảm tai nạn giao thông đến mức thấp nhất.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, trao đổi những khó khăn, vướng mắc, để làm sáng tỏ các vấn đề còn bị động, lúng túng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phối hợp, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.