Huawei thuê làm phần cứng xe điện, chỉ dán nhãn và làm phần mềm
Dù gặp hạn chế ở mảng điện thoại do thiếu nguồn cung linh kiện nhưng chính khó khăn này lại giúp Huawei có thể đa dạng hóa sản phẩm và có nhiều bứt phá trong mảng xe điện.
Sự thành công của Huawei đã cho thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có thể “sống sót” được nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ và nền tảng công nghệ, cơ sở hạ tầng có được trong nhiều năm dù chịu áp lực ở mảng điện thoại và 5G.
Bên cạnh đó, việc Huawei nhận được nhiều đơn hàng cho mẫu xe điện của mình cũng cho thấy ưu thế của quốc gia tỷ dân về khả năng sản xuất ô tô.
Thay vì đầu tư, nghiên cứu và phát triển ra một chiếc xe hoàn chỉnh thì Huawei lại chỉ tập trung làm phần mềm còn phần cứng hầu hết là đi thuê từ bên ngoài.
Việc Huawei thuê ngoài và chỉ dán nhãn cũng được nhiều startup ưa thích khi họ có thể tăng doanh số nhờ danh tiếng của tập đoàn này. Với kênh phân phối khổng lồ của mình, Huawei chào bán chiếc xe điện Aito ngay tại các cửa hàng bán điện thoại.
Theo thông tin từ hãng, mẫu xe Avatr 12 sắp được ra mắt sẽ có giá 300.800 NDT (hơn 1 tỷ VNĐ). Xe được định vị ở phân khúc hạng sang và được phát triển dựa trên sự hợp tác của Huawei với Chongqing Changan Automobile và CATL.
Mẫu xe này được trang bị phần mềm điều khiển thông minh ADS 2.0 đi cùng 29 bộ cảm ứng cùng 11 camera công suất cao.
Tính đến tháng 9 năm nay, Chongqing mới chỉ bán được khoảng 12.000 chiếc Avatr đời cũ. Việc hợp tác với Huawei lần này sẽ phần nào giúp kích cầu mua sắm và gia tăng doanh số đáng kể.
Trong bối cảnh thị trường ngày càng bão hòa, chiến lược thuê ngoài nhãn xe điện của Huawei được xem là giải pháp khôn ngoan.
Khi nhu cầu không đủ cao, việc tự sản xuất xe điện không còn lợi nhuận, sẽ không thể bù lại chi phí, khi đó cuộc chiến giá cả sẽ tiếp diễn giống hãng xe điện Tesla.
Trong khi đó, nhiều startup xe điện như: WM Motor hay NEV của China Evergrande đều đã xin tái cấu trúc hoặc bị dừng giao dịch do mất khả năng thanh toán nợ.
Các hãng xe điện mới thì liên tục phải sáp nhập, mua bán lại của nhau để có thể tồn tại trên thị trường.
Giám đốc Kollar của Intralink nhận định rằng: "Chiến lược của Huawei là đưa thế mạnh công nghệ của mình vào càng nhiều công ty khác nhau càng tốt để khi thị trường hợp nhất, họ sẽ có nền tảng liên kết với những hãng còn sống sót trong ngành xe điện".
Tuy nhiên, hiện tại chính quyền Bắc Kinh đang siết chặt quản lý đăng ký xe điện do lo sợ vỡ bong bóng thị trường.
Hiện Xiaomi cũng đang chờ chính phủ cấp phép sản xuất xe điện nhưng khả năng là rất khó vì tình hình thị trường hiện tại không cho phép.
Didi Global, nền tảng gọi xe nổi tiếng của Trung Quốc cũng hợp tác cùng Xpeng để nghiên cứu và phát triển xe điện nhưng do gặp khó trong vấn đề giấy phép nên hãng đã từ bỏ.
Với thành công của Aito, Huawei đã khiến nhiều hãng xe điện bất ngờ.
Xpeng là startup xe điện đang gánh khoản lỗ lớn cũng như đang chật vật để có thể tăng doanh số. Nhà sáng lập He Xiaopeng của hãng cũng đã đặt câu hỏi về hệ thống phanh khẩn cấp tự động của Aito liệu có an toàn để triển khai không.
Mặt khác, Chủ tịch Chen Hong của SAIC Motor, một trong những hãng xe điện lớn nhất ở Trung Quốc thì nhận định rằng việc dùng phần mềm của hãng điện thoại Huawei và hợp tác cùng hãng này không khác gì với việc trao quyền điều khiển và linh hồn của sản phẩm cho người lạ.
Về phía Huawei, họ đáp rằng rằng không muốn kiểm soát ai mà chỉ mong muốn giúp ngành xe điện vượt khó.
Giám đốc Richard Yu phụ trách mảng xe điện của Huawei chia sẻ rằng: “Trong thời đại những chiếc xe điện thông minh ngày càng phổ biến, cạnh tranh ở mảng này sẽ trở nên cực kỳ khốc liệt. Do đó về dài hạn, Huawei tin rằng những hãng xe hợp tác chặt chẽ cùng Huawei có thể tồn tại và trở thành một trong số ít những công ty còn sống sót".
Tham khảo: Bloomberg