Huyện Hoài Đức không lơ là, mất cảnh giác trước “giặc lửa”
Huyện Hoài Đức: Cháy xưởng tái chế nhựa làm một người tử vong |
Xây dựng hơn 4.000 đội phòng cháy chữa cháy cơ sở
Hoài Đức (Hà Nội) vốn là địa phương đất chật, người đông; toàn huyện có 20 xã, thị trấn nhưng số khu dân cư (thôn, xóm, tổ dân phố) lên tới 135, trong đó số khu dân cư có nguy hiểm cháy nổ cao là 12. Ngoài ra, huyện còn có 1 khu công nghiệp, 8 cụm công nghiệp và nhiều làng nghề truyền thống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tình trạng cháy nổ. Chính vì vậy, công tác phòng cháy chữa cháy càng được Ban Chỉ đạo 197 huyện quan tâm, chú trọng hơn bao giờ hết.
9 tháng đầu năm 2024, qua kiểm tra, Công an huyện Hoài Đức - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 197 huyện đã phát hiện 188 tồn tại, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy (PCCC) phải xử phạt vi phạm theo quy định.
Người dân tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức |
Công an huyện đã ra quyết định xử phạt 112 trường hợp/188 lỗi vi phạm về PCCC, với số tiền 2.753.800.000 đồng; ban hành 11 quyết định tạm đình chỉ hoạt động, 10 quyết định đình chỉ hoạt động, xây dựng 159 công văn kiến nghị yêu cầu cơ sở khắc phục. Ngoài công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, Công an huyện Hoài Đức còn xây dựng 131 đội dân phòng với 1.339 người, 4.192 đội PCCC cơ sở với 10.022 người.
Theo Thượng tá Nguyễn Thành Vinh - Phó trưởng Công an huyện Hoài Đức, 9 tháng qua, Công an huyện đã làm tốt công tác tham mưu về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH); tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC đến người dân trên địa bàn. Cùng với đó, Công an huyện cũng luôn duy trì tốt công tác thường trực chiến đấu, bảo đảm quân số, phương tiện thường trực chiến đấu, xuất xe nhanh và kịp thời, chữa cháy hiệu quả...
Bên cạnh đó, huyện triển khai nhiều mô hình phòng cháy chữa cháy hiệu quả tại khu dân cư. Có thể kể đến mô hình “Hệ thống máy bơm chữa cháy Nhân dân” tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai Nguyễn Chí Thao cho biết, xã Minh Khai có 7 thôn với 1.566 hộ dân/7.588 nhân khẩu. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất, chế biến hàng nông sản như làm mì, miến, sản xuất bánh kẹo, nước ngọt.
Hiện toàn xã có tổng số 403 cơ sở là nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, 39 cơ sở thuộc loại hình là kho, xưởng sản xuất. Hoạt động sản xuất ở làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.
Xuất phát từ tình hình thực tế, bằng hình thức xã hội hóa, UBND xã đã vận động người dân đóng góp, xây dựng “Hệ thống máy bơm chữa cháy Nhân dân”. Hệ thống chữa cháy này gồm máy bơm cao áp chạy bằng điện, lắp 2 nguồn điện 3 pha, bảo đảm có thể hoạt động khi sự cố xảy ra. Lắp đặt các hệ thống máy bơm nước và dẫn đường ống từ các hồ ao vào trong các tuyến đường ngõ, hẻm, nhất là các vị trí xe chữa cháy hoặc phương tiện chữa cháy không di chuyển vào được…
Đến nay, xã Minh Khai đã hoàn thành lắp đặt 13 máy bơm tại các ao, 149 trụ với 6.400m đường ống dẫn nước ở 7/7 thôn. Hệ thống máy bơm đạt gần 90% tổng diện tích khu dân cư, tổng số kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa gần 1,5 tỷ đồng.
Điểm sáng trong công tác PCCC
Với phương châm “4 tại chỗ”, công tác phòng cháy chữa cháy PCCC tại xã Minh Khai, đặc biệt là mô hình “Hệ thống máy bơm chữa cháy Nhân dân” đang là điểm sáng, đồng thời phát huy tích cực vai trò của quần chúng Nhân dân trong công tác PCCC và CNCH tại cơ sở.
“Trong thời gian tới, xã Minh Khai tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho các cơ quan, đơn vị và Nhân dân; phấn đấu không để xảy ra cháy nổ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn” - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai cho biết.
Theo ông Nguyễn Chí Thao, ngoài xây dựng “Hệ thống máy bơm chữa cháy Nhân dân”, từ đầu năm 2024 đến nay, xã Minh Khai còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC bằng việc cấp phát 1.500 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về kiến thức pháp luật PCCC và công tác PCCC và CNCH tới các hộ dân, đăng nhiều tin bài trên hệ thống loa truyền thanh của xã, cổng thông tin điện tử và các mạng xã hội như Zalo, Facebook.
Xã thực hiện treo băng rôn, khẩu hiệu tại các khu vực công cộng (nhà văn hóa, các tuyến đường trục xã, trục thôn) và tổ chức 6 buổi tuyên truyền kỹ năng PCCC và thoát nạn với tổng số 1.050 lượt người là đại diện các hộ gia đình trên địa bàn xã tham gia.
Bên cạnh đó, xã Minh Khai tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả mô hình của 8 “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 98 “Điểm chữa cháy công cộng”, vận động các hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy. Vì vậy đến nay, toàn xã có 80% số hộ gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy, bảo đảm tiêu chí mỗi hộ gia đình có ít nhất từ 1 bình trở lên.
Thông qua các mô hình, xã đã xây dựng được một cộng đồng an toàn từ việc tăng cường ý thức và trách nhiệm của tất cả các thành viên trong việc bảo đảm PCCC. Qua đó phát huy hiệu quả trong công tác chữa cháy ban đầu, tận dụng "thời gian vàng", góp phần ngăn cháy lan, cháy lớn.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho rằng, việc xây dựng được “Hệ thống máy bơm chữa cháy Nhân dân” ở xã Minh Khai đã khẳng định ý thức về PCCC của người dân địa phương đã được nâng cao. Đây cũng là mô hình điểm đầu tiên của huyện Hoài Đức xã hội hóa trong công tác PCCC.
Từ mô hình của Minh Khai, các xã, thị trấn của huyện Hoài Đức cần tích cực học hỏi kinh nghiệm, để nâng cao hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn. Vẫn theo ông Nguyễn Hoàng Trường, với phương châm “4 tại chỗ” trong PCCC, thời gian qua, UBND huyện đã trang bị cho các xã, thị trấn trên địa bàn mỗi xã 1 máy bơm chữa cháy di động.
Điều này giúp việc tổ chức chữa cháy ban đầu hiệu quả hơn, làm giảm thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Hiện nay một số xã trên địa bàn huyện Hoài Đức đã từng bước học tập mô hình của xã Minh Khai. Ví dụ như xã Đông La chuẩn bị thực hiện thí điểm tại thôn Đồng Nhân, một thôn tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ...