Huyện Quốc Oai lập trạm y tế lưu động tại vùng bị cô lập do mưa lũ
24/24h sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa lũ
Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão nên tình hình mưa lũ đã gây úng ngập nghiêm trọng các xã vùng ven sông Tích thuộc huyện Quốc Oai. Nước lũ trên sông Tích dâng lên , vượt báo động III, gây ngập lụt hơn 800 hộ dân tại 9 xã trên địa bàn huyện.
Trong đó, xóm Bến Vôi là một trong những điểm đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên địa bàn huyện Quốc Oai bởi nước lũ. Cả xóm hiện có 133 hộ dân, với hơn 507 nhân khẩu đang bị cô lập, có những điểm nước ngập sâu hơn 1m, khiến việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn.
Huyện Quốc Oai lập trạm y tế lưu động tại vùng bị cô lập do mưa lũ |
Trạm Y tế lưu động được đặt tại Nhà văn hóa xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai.
Trạm Y tế lưu động trực thuộc Trung tâm Y tế huyện, gồm 5 nhân viên y tế có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng; quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn xóm Bến Vôi theo quy định hiện hành.
Để đảm bảo thu dung cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân, Trạm Y tế lưu động ở xóm Bến Vôi được trang bị đầy đủ thiết bị y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; nhân lực bao gồm: bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng và cán bộ phụ trách dược.
Trạm Y tế tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 giờ; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa lũ gây ra; không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; đồng thời có kèm theo đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu của bệnh nhân.
Ứng phó với các dịch bệnh có thể xảy ra sau mưa lũ
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai, những ngày qua, mưa diễn ra trên diện rộng, mực nước sông Tích, sống Đáy lên cao. Tính đến sáng ngày 11/9, mực nước sông Tích tại Trạm Vĩnh Phúc (Quốc Oai) là 8,54m, trên mức báo động 3 là 0,5m.
Mưa lớn, nước sông dâng cao đã làm nhiều xã ven sông bị ngập úng; trong đó, có 144 hộ, 513 nhân khẩu bị ngập sâu. Để đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng ngập úng, từ ngày và đêm 10/9, các địa phương đã tuyên truyền, vận động 129 hộ với 429 nhân khẩu di chuyển đến nơi an toàn.
Công tác y tế ứng phó với mưa lũ cũng đã được huyện Quốc Oai chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện triển khai từ rất sớm.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đánh giá cao công tác ứng phó với mưa lũ của Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai |
Trước đó, ngày 7/9 đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội do ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội làm trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra công tác đáp ứng Y tế, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Quốc Oai.
Đoàn đã trực tiếp kiểm tra công tác Y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại xã Cấn Hữu và hướng dẫn người dân địa phương cách phòng bệnh.
Bà Đinh Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: trước ảnh hưởng của siêu bão Yagi có mưa to nên một số cụm dân cư vùng thấp, trũng, gần sông suối ở một số xã như Cấn Hữu, Đông Yên, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa... có nguy cơ bị ngập úng.
Để đáp ứng công tác Y tế, Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế các xã đã chủ động xây dựng Kế hoạch và triển khai phương án đối phó với thiên tai đảm bảo an toàn cho người dân.
Trung tâm Y tế đã chỉ đạo Trạm Y tế xã thường trực cấp cứu 24/24 giờ; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc phòng chống dịch. tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính có nguy cơ mắc các bệnh mùa mưa lũ.
Ngoài ra, huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau ngập úng không để dịch bệnh sảy ra trên mọi phương tiện truyền thông.
Đồng chí Khổng Minh Tuấn, Trưởng đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đánh giá cao Trung tâm Y tế huyện đã chủ động lên phương án phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội nhấn mạnh: Trung tâm y tế huyện Quốc Oai cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú.
Các hình thức truyền thanh, phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp về phòng chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ như bệnh về da, mắt, đường tiêu hóa, các trường hợp tai nạn thương tích như điện giật, đuối nước, các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết; cử cán bộ bám sát cùng Trạm Y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường khử khuẩn nguồn nước.
TTYT cần tiến hành phun thuốc khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh thường gặp sau mưa lũ, giám sát ca bệnh kịp thời không để dịch bệnh lây lan.