Kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống và hiện đại
Xác định nội dung cốt yếu của các thành tố trong từng hệ giá trị
Tại phiên thảo luận thứ nhất “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, các đại biểu tập trung làm rõ những lý do, yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Xác định nội dung cốt yếu của các thành tố trong từng hệ giá trị và mối quan hệ trong giữa các hệ giá trị, đặc biệt là hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam. Các đại biểu đề xuất phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Tham luận về tính cấp thiết và những yêu cầu xây dựng “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng đưa ra có 6 lý do và 4 yêu cầu để nghiên cứu, xây dựng nhằm triển khai giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị con người chuẩn mực.
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng tham luận tại hội thảo |
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng, những giá trị của con người Việt Nam trong thời kỳ mới, hiện đại sẽ và chỉ định hình trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Tuy nhiên, đến nay, hệ giá trị truyền thống cần được khẳng định là gì thì vẫn chưa có kết luận cuối cùng, nhiều khi còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều.
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng cũng cho biết, khoảng hơn 20 năm qua, kể từ Đại hội IX (2001) đến nay, chúng ta đã có rất nhiều đề xuất, nghiên cứu về hệ giá trị và đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy vậy, các kết quả trên chủ yếu mới chỉ nêu vấn đề, gợi mở, đề xuất song chưa đi tới một kết luận có ý nghĩa, giá trị “pháp lý” cần thiết, một sự đồng thuận cao để có thể tạo nên những hoạt động triển khai có tính thống nhất.
Từ những lý do trên, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng nêu 4 yêu cầu để nghiên cứu, xây dựng để triển khai các hệ giá trị quốc gia, sắp xếp thang giá trị thành một hệ thống nhất sau: Hệ giá trị quốc gia là sự tổng hợp có tầm khái quát cao nhất, tiêu biểu và mang ý nghĩa đặc trưng của quốc gia - dân tộc, được hun đúc từ lịch sử, truyền thống, từ thực tiễn và có giá trị định hướng tương lai; Hệ giá trị con người Việt Nam nhấn mạnh và xác định những phẩm chất, đặc tính bao trùm, căn cốt tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh của con người Việt Nam; Chuẩn mực văn hóa là sự cụ thể hóa giá trị con người Việt Nam cho các đối tượng khác nhau; Hệ giá trị gia đình Việt Nam như một thành tố cơ sở trong thang giá trị…
Đóng góp tại hội thảo tham luận “Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội cho biết, trong gần 4 thập niên qua, phát triển toàn diện con người Việt Nam đã trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chất lượng của việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, đang gây nên rất nhiều hệ lụy không mong muốn cho chính con người và xã hội, cản trở công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Phát huy vai trò phụ nữ trong vun đắp giá trị gia đình Việt Nam
Ở góc độ quản lý văn hóa, Tiến sĩ Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thẳng thắn nêu, việc hội nhập sâu rộng với quốc tế, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu trên các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội.
Quang cảnh hội thảo |
Mặt khác, gia đình Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và sự biến đổi xã hội. Trong đó, sự xuống cấp của một số mối quan hệ ứng xử văn hóa trong gia đình, đạo đức gia đình, đạo đức xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Theo bà Trần Tuyết Ánh, đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững, cho dù khoa học trên thế giới có phát triển hiện đại nhưng nhiều giá trị gia đình không thể thay thế, đó là: Giáo dục, đạo đức, ứng xử văn hóa gia đình, tình cảm yêu thương, chăm sóc, chia sẻ đùm bọc, động viên, khích lệ từ gia đình để vượt qua những trở ngại, thăng trầm của cuộc sống...
Tham góp cho phiên thảo luận đầu tiên của hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đã nêu vai trò của phụ nữ Việt Nam trong việc vun đắp, xây dựng gia đình mới.
Để hỗ trợ cho người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề xuất xây dựng và nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc. Điển hình là Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, mô hình “Câu lạc bộ xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… Đây là mô hình phổ biến nhất ở các địa phương, có ý nghĩa tích cực, là cầu nối truyền tải thông tin, giao lưu, chia sẻ vấn đề về giáo dục gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con, kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương cũng cho biết, các mô hình tư vấn, hỗ trợ hôn nhân, gia đình, an toàn cho phụ nữ và trẻ em được triển khai rộng khắp 63 tỉnh, thành, qua đó bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, động viên về tinh thần, hướng dẫn chị em kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình; Tư vấn giải quyết các vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, bạo lực gia đình… góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, ổn định an ninh trật tự xã hội. Đặc biệt, mô hình “Ngôi nhà bình yên” đã trở thành mô hình điển hình trong hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện cho phụ nữ và trẻ em.
Kết thúc phiên thảo luận thứ nhất, có 9 báo cáo, tham luận tham gia đóng góp cho hội thảo. Sau khi kết thúc tham luận, các đại biểu tham gia tọa đàm bàn tròn. Đây là dịp để các nhà nghiên cứu lắng nghe thêm ý kiến của đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu lý luận đầu ngành, lãnh đạo các địa phương, để có thêm cơ sở đầy đủ, toàn diện trong thảo luận nội dung.
Tại tọa đàm bàn tròn, các đại biểu khẳng định việc xác định hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong thời kỳ mới. Đồng thời các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp để đưa hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới thật sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.