Khai thác thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo (giữa) điều hành hội nghị
Bài liên quan
Thông tin xấu độc làm hại doanh nghiệp: Làm sao ngăn chặn?
Vinamilk thông tin chính thức về nguồn nguyên liệu sữa
Hoãn xét xử nguyên Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người tung tin giả, xấu, "độc" có thể đi tù
Ngày 4/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí (năm 2016). Ông Lưu Đình Phúc- Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT) cho biết, sau 3 năm thi hành, Luật báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm, phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động báo chí cũng đang phát sinh những vi phạm mới, Luật Báo chí cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước.
Theo ông Vũ Văn Tiến - Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiện nay, tình trạng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp diễn ra khá thường xuyên. Nguyên nhân xuất phát từ việc cơ quan báo chí buông lỏng quản lý đối với phóng viên, cộng tác viên. Một số cơ quan báo chí lại khoán doanh thu quảng cáo nên xảy ra tình trạng nhiễu doanh nghiệp, gây sức ép ký hợp đồng quảng cáo.
Ông Vũ Văn Tiến - Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam |
Do đó, ông Vũ Văn Tiến đề nghị: “Các cơ quan quản lý báo chí, tòa soạn báo cần cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên để các đơn vị, địa phương có cơ sở đối chiếu, nhằm ngăn chặn việc mạo danh, lợi dụng danh nghĩa phóng viên, cơ quan báo chí để sách nhiễu doanh nghiệp, địa phương.
Đồng thời, nên thu hồi thẻ nhà báo còn hạn sử dụng đối với những trường hợp đã nghỉ hưu để ngăn chặn tình trạng lạm dụng thẻ”.
Ông Nguyễn Đình Chúc - Phó Tổng biên tập Báo Lao động kiến nghị, nên có chế tài xử phạt phù hợp đối với người phát ngôn chậm cung cấp thông tin cho báo chí. “Nhiều cơ quan hành chính Nhà nước cử người phát ngôn mang tính đối phó. Phóng viên liên lạc với người phát ngôn rất khó, bị né tránh bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, với một số vấn đề, sự kiện thời sự, người phát ngôn vẫn đòi hỏi phóng viên phải gửi công văn, câu hỏi bằng văn bản, khi sự kiện đã “nguội” mới trả lời”- đại diện Báo Lao động nêu.
Ảnh hưởng của mạng xã hội đến cộng đồng cũng khiến hoạt động báo chí nảy sinh nhiều vi phạm. Chẳng hạn như tình trạng khai thác thông tin sai sự thật trên mạng, đăng tin theo mạng xã hội mà không kiểm chứng hoặc thông tin báo chí chính thống bị cắt gọt khi đưa lên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận… cần được xử lý nghiêm khắc, kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá, việc thực thi Luật Báo chí 2016 về cơ bản được triển khai tích cực. Tuy vậy, có một số trường hợp khi thực thi luật nhưng không hiểu hoặc không nắm rõ luật nên trong khi ứng xử với báo chí không chuẩn, thậm chí cứ nghe đến báo chí là né, là thoả hiệp.
“Bởi vậy, từng cơ quan, đối tượng liên quan của Luật Báo chí từ cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, địa phương cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng Luật Báo chí để kịp thời xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn.
Hướng sửa Luật Báo chí tới đây sẽ đưa ra Tòa án để phân xử. Các địa phương cần khuyến khích các tổ chức kiện ra toà nếu thông tin sai sự thật, bước đầu đã có doanh nghiệp kiện cơ quan báo chí…” - Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo nói.