"Khán giả học" - phiếu khảo sát quyết định thành công của phim
Đã có nhiều sách viết về quá trình sản xuất phim, công việc của đạo diễn, biên kịch, quay phim và dựng phim nhưng cho đến nay, vẫn còn ít tác phẩm bàn về điện ảnh dưới góc nhìn từ khán giả.
Trong "Khán giả học", Tiến sĩ Kevin Goetz đã tiên phong đưa ra cách tiếp cận mới mẻ khi đặt khán giả vào vị trí trung tâm và khảo sát những điều họ chờ đợi ở một bộ phim.
Cuốn sách "Khán giả học" |
Phản hồi từ khán giả trong các buổi chiếu thử có thể giúp bộ phim nâng chất lượng về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu. Để nêu bật tầm quan trọng của người xem thử nghiệm, Kevin Goetz đã ví von rằng: “Tờ giấy khảo sát có khối lượng chưa đến trăm gram, song lại mang sức mạnh tựa như cú móc hàm phải của võ sĩ Tyson".
Khán giả học cho người đọc thấy rằng bộ môn nghệ thuật thứ bảy không chỉ có lịch sử huy hoàng về các nhà làm phim gạo cội và những bộ phim bất hủ, mà còn có một ngành khoa học điện ảnh phải đối mặt với nhiều thử thách.
Chính nhờ những nghiên cứu từ ngành Khán giả học mà mỗi bộ phim đều có cợ hội trở thành phiên bản hoàn hảo nhất. Bên cạnh đó, Kevin Goetz còn kể những mẩu chuyện thực tế trong các buổi chiếu thử phim giúp người đọc có cơ hội chứng kiến hậu trường Hollywood từ một lát cắt khác.
Tác phẩm "Khán giả học" có 10 chương, phần nội dung của từng chương được liên kết chặt chẽ với nhau, giúp độc giả hiểu hơn về giai đoạn sơ khai của những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại như: Forrest Gump, Titanic, A History of Violence (Quá khứ bạo lực), Red Eye (Mắt đỏ)...
Đến với "Khán giả học", người đọc có thể tự tìm câu trả lời cho những thắc mắc về các tình tiết phim chỉ có trong bản chiếu thử vì đã bị lược bỏ ở bản công chiếu; hoặc lí do tại sao phim lại có kết thúc buồn khiến người xem mãi day dứt.
Trong "Khán giả học", Kevin Goetz đã thuật lại cặn kẽ quy trình của một buổi chiếu thử điển hình, từ việc lựa chọn khán giả dựa theo số liệu nhân khẩu học, phương pháp lấy khảo sát từ nhóm khán giả tập trung, tiêu chí lựa chọn địa điểm công chiếu, ghi chép lại những khoảnh khắc nào trong phim đã khiến khán giả bật cười hay òa khóc.
Tác giả nhấn mạnh rằng việc lấy khảo sát từ khán giả có thể giúp nhà biên kịch, nhà sản xuất, đạo diễn… lược bỏ những chi tiết thừa hoặc thêm yếu tố mới nhằm đẩy câu chuyện lên cao trào, rõ ràng, mạch lạc để bộ phim đạt được hiệu quả tốt nhất.
Những lý giải rất thuyết phục của Kevin Goetz giúp độc giả nhận ra công việc sáng tạo phim ảnh giống như một trò chơi “đỏ đen” mang tên “tâm lý học”. Sau buổi công chiếu thử nghiệm, những tiếng vỗ tay, hò hét, hay phản ứng khóc - cười từ phía khán giả có thể trở thành “tín hiệu” dự báo mức độ thành công của phim.
Bằng lối văn tinh tế, đi sâu vào bóc tách, nghiên cứu tâm lý của khán giả sau những buổi chiếu thử, Kevin Goetz mời gọi người đọc chiêm nghiệm những cuộc đối thoại cùng các nhà làm phim tài năng.
Với những câu chuyện điện ảnh hấp dẫn từ góc nhìn về Hollywood, "Khán giả học" là một cuốn sách không thể bỏ qua cho những tín đồ của bộ môn nghệ thuật thứ bảy nói riêng, cũng như nghệ thuật nói chung.