Khẩn trương khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn đón học sinh
Học sinh Hà Nội nghỉ học để tránh siêu bão Yagi Giáo viên Hà Nội khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 |
Sáng 8/9, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Trần Thế Cương chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường học trực thuộc khẩn trương rà soát, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học theo khung kế hoạch thời gian năm học do UBND thành phố Hà Nội ban hành.
Giáo viên trường Tiểu học Văn Yên dọn dẹp sau bão, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường vào thứ 2 |
Cũng theo chỉ đạo của Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, ngay trong sáng nay, 8/9, các đơn vị, trường học khẩn trương rà soát, thống kê các thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị… của đơn vị, báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, các đơn vị chủ động và khẩn trương tổ chức dọn vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả của bão và có biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh, bảo đảm các điều kiện an toàn khi học sinh trở lại trường học.
Trưởng phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng các nhà trường theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mức độ thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra và tình hình thực tế của đơn vị để chủ động quyết định thời gian học sinh trở lại trường bảo đảm thực hiện tốt khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025.
Giáo viên, phụ huynh trường Tiểu học Lê Quý Đôn thu gom cây xanh bị gãy đổ |
Trong ngày hôm nay, 8/9, các nhà trường rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Các trường dạy học ngay từ ngày mai nếu đảm bảo an toàn. Với các trường chưa đủ điều kiện thì tiếp tục cho học sinh nghỉ học, tập trung khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn mới đón học sinh trở lại trường học.
Với các nhà trường chưa thể đón học sinh trở lại trường theo kế hoạch, ban giám hiệu nhà trường yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường, khẩn trương khắc phục hậu quả của bão; đồng thời chủ động có kế hoạch dạy bù cho học sinh. Đồng thời, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với gia đình để quản lý, bảo đảm an toàn cho học sinh.
Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến trưa nay, các nhà trường vẫn đang khẩn trương thu dọn cành cây gãy đổ, dựng tạm tường bao, rà soát hệ thống điện, khơi thông hệ thống thoát nước.
Các trường mầm non và tiểu học có tổ chức bếp ăn bán trú cũng đã xây dựng phương án đón học sinh trở lại trường vào ngày mai bảo đảm an toàn; phối hợp với đơn vị cung ứng thực phẩm bảo đảm duy trì ngay việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú.
Cán bộ, giáo viên dọn dẹp vệ sinh sau bão |
Tinh thần chung được các đơn vị, trường học quán triệt tới tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh là tuyệt đối không chủ quan với diễn biến thời tiết sau khi bão tan; duy trì lực lượng ứng trực tại trường, sẵn sàng ứng phó với phương án mưa lớn có thể gây ra ngập lụt hoặc cây xanh lâu năm bị mục, gẫy đổ bất thình lình. Đồng thời, giáo viên thông tin tới gia đình nhắc nhở học sinh phòng tránh tai nạn thương tích khi di chuyển từ nhà tới trường và ngược lại.
Thực hiện chỉ đạo của Sở và Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, sáng sớm nay, các cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Văn Yên đã có mặt để dọn dẹp vệ sinh. May mắn không chịu thiệt hại nặng nề do mưa bão nhờ sự chuẩn bị ứng phó chu đáo, trường Tiểu học Văn Yên sẵn sàng để đón học sinh vào thứ hai đầu tuần (9/9).
Cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trong buổi sáng nay, nhà trường đã hoàn tất việc dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác, lá cây, rà soát trang thiết bị dạy học ở các lớp, hệ thống đường điện, bếp ăn, quạt, điều hòa. Chiều nay, chúng tôi sẽ kiểm tra lại một lần nữa cơ sở vật chất ở từng lớp học để đảm bảo điều kiện an toàn nhất cho học sinh trở lại trường vào ngày mai".
Nhiều trường học khác tại quận Hà Đông chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Như tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn nhiều cây xanh bị gãy đổ hàng loạt, 1 góc bếp ăn bán trú của nhà trường sập hoàn toàn. Sân trường Tiểu học Phú Lương bị ngập sau mưa bão. Trường Tiểu học Mậu Lương cũng ghi nhận hàng loạt cây xanh gãy đổ.
Giáo viên trường THCS Giảng Võ dọn dẹp sau bão |
Trong khi đó, tại trường THCS Kiến Hưng, ghi nhận sáng 8/9, 2 nhà xe của học sinh che bằng mái tôn đổ sập hoàn toàn, 1 cây xanh lâu năm bị bật gốc nằm ngổn ngang trước cửa nhà xe.
Tại quận Hoàng Mai, Hiệu trưởng trường THPT Trương Định Lê Việt Dương cho biết, nhà trường đã sẵn sàng hoạt động trở lại. Trong ngày hôm nay, cán bộ giáo viên tập trung dọn dẹp vệ sinh, thu dọn cành cây bị gãy, có một nhà xe của giáo viên bị tốc mái sẽ được xử lý sớm.
Nhiều trường học trên địa bàn huyện Đông Anh cũng bước đầu ghi nhận những thiệt hại về tài sản, trong đó chủ yếu là cây đổ, tốc mái tôn nhà để xe, như: Trường THCS Xuân Nộn, THCS Mai Lâm, THCS Vĩnh Ngọc… Tuy nhiên, theo thống kê ban đầu, chưa có trường nào bị thiệt hại về trang thiết bị.
Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh Đặng Văn Hà cho biết, trước khi bão vào Hà Nội, Phòng đã yêu cầu các nhà trường duy trì chế độ báo cáo thường xuyên để kịp thời hỗ trợ khi có sự cố xảy ra. Đến sáng nay, phòng đã đề nghị các trường rà soát, kiểm tra, báo cáo hậu quả để lực lượng chức năng phối hợp xử lý sớm, bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường vào ngày mai (9/9).
Trong khi đó, tại huyện Ba Vì, thông tin với phóng viên, ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho biết: Thống kê nhanh, toàn huyện có 505 mét vuông mái trường bị hư hỏng, tốc mái, 40 mét tường rào bao quanh các trường bị đổ. 31 cây xanh bị bật gốc. 21 biển bảng, biển hiệu bị hỏng. Các nhà trường đang nhanh chóng khắc phục...
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, đến 10h sáng nay (8/9) qua rà soát thống kê nhanh cho thấy, có 36 cây đổ trong trường học; 2 cổng, trụ cổng trường đổ, 1 nhà xe bị hỏng, 4 mái tôn bị tốc, nhiều camera bị ảnh hưởng… tại 65 cơ sở giáo dục (Mầm non, Tiểu học, THCS, TH - THCS&THPT) trên địa bàn quận.
Bên cạnh đó, ghi nhận nhiều biển trường rơi gẫy, vỡ logo trường gắn trên tường, đổ vỡ một số chậu cây cảnh, nước tràn từ các khe kính vào cầu thang, quạt thông gió phòng WC lớp nhà trẻ bị gió đánh bật.
Ngoài ra nhiều lớp học, phòng ban của các nhà trường bị tràn nước và ngấm nước. Đáng chú ý, một số cây to nghiêng nguy cơ tiếp tục đổ; internet, camera giám sát mất kết nối…