Khát vọng nâng cao giá trị cây dược liệu
Người nông dân sở hữu “thung lũng dược liệu triệu đô” |
Anh Tuyên cho biết, Hợp tác xã Thảo mộc Việt tiền thân là Tổ Cam sành VietGAP, với mục đích phát triển và tiêu thụ cam tốt hơn cho các thành viên và nhà vườn. Năm 2019, hợp tác xã được thành lập với 10 thành viên, sau 1 năm hoạt động, cam sành bị vàng lá và có hiện tượng bị chết. Trước thực trạng này, các thành viên hợp tác xã đã họp, thống nhất mở rộng sản xuất thêm những sản phẩm mới dựa trên diện tích cam đã già cỗi.
Tuy nhiên, trồng cây gì để mang lại hiệu quả là bài toán khó. Anh Tuyên nhận thấy địa phương có thế mạnh về cây dược liệu như đinh lăng, cà gai leo, giảo cổ lam, xạ đen, cỏ ngọt… nhưng chưa tận dụng được giá trị của các cây này. Bà con bán ra thị trường rất rẻ, dẫn tới thu nhập chưa được cao.
Anh Lương Văn Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã Thảo mộc Việt |
“Mình luôn mong muốn phát huy, khai thác các loại cây dược liệu có thế mạnh của địa phương. Vì thế, mình mạnh dạn đề xuất với các thành viên trong hợp tác xã đầu tư trồng, chế biến sâu các loại trà thảo dược”, anh Tuyên chia sẻ.
Phải mất một năm nghiên cứu, anh Tuyên và các thành viên trong hợp tác xã mới cho ra được sản phẩm. Điều đặc biệt, mỗi sản phẩm trà của hợp tác xã là một bài thuốc và có câu chuyện riêng. Đó là các bài thuốc truyền thống của người Tày, người Dao, như trà cà gai leo giúp giải độc, mát gan. Tâm An trà giúp an thần, nâng cao chất lượng giấc ngủ…
Nhờ chất lượng sản phẩm và vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nên các sản phẩm của hợp tác xã có giá bán cao hơn sản phẩm tương đồng trên thị trường khoảng 10% nhưng vẫn được khách hàng đón nhận. Một điểm mạnh nữa của hợp tác xã là sản xuất trà cam thảo mộc dạng túi lọc. Nhờ đó, việc tiêu thụ cam luôn có sự ổn định về giá cả, không lo “được mùa mất giá” và giảm tải được áp lực tiêu thụ, bảo quản quả tươi mỗi khi vào chính vụ.
Sản phẩm của hợp tác xã được nhiều người tiêu dùng đón nhận |
Năm 2022, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư dây truyền sản xuất trà thảo dược túi lọc với tổng số vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng. Hợp tác xã phát triển và đưa ra thị trường 9 sản phẩm gồm: Cam sành, chanh tứ thì, chè xanh, trà cam thảo mộc, “Tâm an trà”, “Thanh xuân trà”, “Trà giải độc mát gan”, “Trà tía tô”, “Dưỡng nhan trà”, “Bát tiên chi mộc trà”.
Doanh thu hàng năm của hợp tác xã đạt trên 5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 500 triệu đồng. Năm 2023, hợp tác xã hợp tác với Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản T9 phát triển thêm sản phẩm ớt, xoài xuất khẩu, dự kiến sẽ hợp tác với trên 300 hộ dân và phát triển trên 50 ha diện tích đất trồng. Hiện nay hợp tác xã tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, 20 lao động thời vụ.
Anh Tuyên cho biết: “Nhằm khẳng định chất lượng, hợp tác xã đã đăng ký và có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Trong năm 2023, chúng mình đăng ký thêm 4 sản phẩm và thi nâng hạng các sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao”.
Đặc biệt, hợp tác xã có mục tiêu rõ ràng về sản phẩm. Đối với vùng nguyên liệu được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, khi bà con hợp tác, liên kết sẽ cam kết tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong quá trình chăm sóc. Từ đó, sản phẩm “Thảo mộc Việt” làm ra đảm bảo giá trị và tính an toàn tốt nhất, có thể đứng vững trên thị trường.