Khí phách Việt Nam viết tiếp bản anh hùng ca trong kỷ nguyên mới
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc |
Thiên anh hùng ca thống nhất
Ngày 30/4/1975 - thời khắc lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - đã đánh dấu chiến thắng trọn vẹn của một dân tộc kiên cường suốt hàng chục năm kháng chiến. Đó là biểu tượng của chiến thắng chính nghĩa, của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Chiến thắng ấy là kết tinh vĩ đại của lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là thắng lợi của bản lĩnh Việt Nam, là hiện thân của khát vọng hòa bình, thống nhất đã được hun đúc qua bao thế kỷ giữ nước.
Bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” của Tổng Bí thư tiếp tục soi rọi giá trị tinh thần sâu sắc của ngày thống nhất: “Chiến thắng đó không phải của riêng ai, mà của cả dân tộc Việt Nam”. Từ “chiếc gậy tầm vông” đến “binh đoàn chủ lực”; từ người mẹ tiễn con ra trận đến em bé học chữ trong hầm trú ẩn - tất cả đã hòa thành khúc tráng ca bất tử về một dân tộc không bao giờ khuất phục.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Ảnh: Nhân Dân) |
Chiến thắng 30/4/1975 mang tầm vóc quốc tế, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc khắp Á, Phi, Mỹ - Latinh. Nhiều nước công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong đó có những quốc gia lớn như Cuba, Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp... tạo thế trận ngoại giao ủng hộ mạnh mẽ cho chính nghĩa Việt Nam trên trường quốc tế.
Bài học thời đại - cội rễ từ đại đoàn kết và lòng yêu nước - chiến thắng vĩ đại ấy không ngẫu nhiên mà có. Nó bắt nguồn từ đường lối chiến tranh Nhân dân đúng đắn, từ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và từ sự lãnh đạo kiên định, linh hoạt, bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm đã tổng kết 7 bài học sâu sắc từ thắng lợi 1975 - những bài học vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn hôm nay.
Một minh chứng sống động là việc tổ chức thành công chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chỉ trong 5 ngày (26 - 30/4/1975), chúng ta đã huy động lực lượng gần 270.000 quân và hàng chục vạn dân công, bộ đội chủ lực, địa phương và Nhân dân hỗ trợ. Chiến thắng thần tốc này là biểu hiện đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Nhân dân, của sức mạnh toàn dân tộc.
![]() |
Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh vai trò cốt lõi của lực lượng vũ trang Nhân dân đã cùng toàn dân làm nên kỳ tích từ Điện Biên Phủ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh |
Chủ tịch nước Lương Cường trong bài viết của mình cũng nhấn mạnh vai trò cốt lõi của lực lượng vũ trang Nhân dân - những người con trung hiếu đã cùng toàn dân làm nên kỳ tích từ Điện Biên Phủ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chính tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã trở thành biểu tượng bất tử của ý chí Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là những biểu tượng sinh động nhất của sức mạnh toàn dân kháng chiến với lực lượng vũ trang Nhân dân là nòng cốt dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Ngày nay, những bài học ấy vẫn là “kim chỉ Nam” trong xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân, an ninh Nhân dân vững mạnh, tinh nhuệ, hiện đại - một “thanh bảo kiếm” bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Tự cường dân tộc trong kỷ nguyên mới
Tự cường dân tộc trong kỷ nguyên mới phải trở thành chiến lược phát triển dài hạn, đặt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Thống nhất đất nước không phải cái đích cuối cùng mà là điểm xuất phát cho một hành trình mới: Hành trình phát triển bền vững và thịnh vượng. Trong phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Trung ương 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việt Nam cần xác lập mô hình phát triển mới - dựa trên 3 trụ cột: Dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và kinh tế thị trường định hướng XHCN.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần xuyên suốt là “Lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu phát triển” |
“Lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu phát triển” - đó là tinh thần xuyên suốt. Phát triển không thể hy sinh công bằng xã hội. Tăng trưởng phải đi liền với hạnh phúc con người. Sự tiến bộ phải được đo bằng chất lượng cuộc sống của từng người dân.
Minh chứng cho hiệu quả sự phát triển này là tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 của cả nền kinh tế đạt 7,09% so với năm trước, xét trong giai đoạn 2011 - 2024, tốc độ tăng GDP năm 2024 chỉ thấp hơn tốc độ tăng các năm 2018, 2019 và 2022, bất chấp những biến động toàn cầu. Xuất khẩu đạt hơn 355 tỷ USD, dự trữ ngoại hối vượt mốc 100 tỷ USD, tỉ lệ thất nghiệp thành thị duy trì dưới 4%, gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có trên 25.000 doanh nghiệp công nghệ số.
Việt Nam cũng ghi dấu ấn trong các chỉ số quốc tế: Xếp thứ 46/143 quốc gia về Chỉ số Hạnh phúc 2025 của Liên hợp quốc (tăng 8 bậc so với 2024), thuộc nhóm nước có Chỉ số phát triển con người (HDI) trung bình cao, với tuổi thọ trung bình đạt 74,7 tuổi.
![]() |
Chiến lược phát triển giai đoạn tới tập trung vào cải cách thể chế, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, khơi thông mọi nguồn lực - đặc biệt là phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng.
Một trong những bài học sâu sắc nhất từ thắng lợi năm 1975 chính là tinh thần hòa hợp dân tộc, gác lại quá khứ, hướng đến tương lai. Như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Chúng ta đều mang dòng máu Lạc Hồng, đều là anh em ruột thịt, như cây một cội, như con một nhà”.
Chiến tranh đi qua đã để lại biết bao mất mát, chia cắt nhưng cũng chính Việt Nam là một trong những dân tộc hiếm hoi có đủ bản lĩnh và lòng bao dung để hòa giải, đoàn kết, bao trùm mọi khác biệt.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu chụp ảnh chung với kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương" năm 2025 (Ảnh: TTXVN) |
Năm 2023, tổng kiều hối của người Việt Nam ở nước ngoài gửi về đạt gần 19 tỷ USD, trong đó phần lớn là đóng góp cho đầu tư sản xuất, giáo dục, y tế và từ thiện. Sự tham gia của cộng đồng Việt kiều vào các diễn đàn trí thức, chương trình khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ là minh chứng rõ nét cho chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tại các diễn đàn quốc tế, nhiều trí thức Việt kiều như GS Nguyễn Thục Quyên, GS Trương Nguyện Thành, TS Nguyễn Trí Dũng … đã góp phần nâng cao hình ảnh trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời tích cực kết nối nguồn lực để đóng góp cho quê hương.
Việt Nam ngày nay là một đất nước rộng mở, hội nhập, cầu thị, hòa bình. Mỗi người dân - dù trong nước hay hải ngoại - đều được trân trọng như một phần không thể tách rời của cộng đồng dân tộc.
![]() |
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước |
Thế hệ trẻ viết tiếp khúc tráng ca Việt Nam
Sự đoàn kết của cả cộng đồng dân tộc là nền móng nhưng chính thế hệ trẻ hôm nay mới là những người tiếp tục viết tiếp hành trình dựng xây. Không một dân tộc nào có thể vươn tới tương lai nếu thế hệ trẻ không sẵn sàng kế thừa và tạo dựng giá trị mới. Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ: “Thanh niên là chủ thể kiến tạo tương lai”.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 20 triệu thanh niên (chiếm gần 21% dân số), là nguồn lực to lớn trong xây dựng đất nước. Các phong trào như “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Khởi nghiệp quốc gia của học sinh - sinh viên”, “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo”… đã thu hút hàng triệu lượt tham gia mỗi năm.
Năm 2024, Việt Nam có hơn 3.800 start-up công nghệ do người trẻ làm chủ, với tổng giá trị gọi vốn vượt 1,5 tỷ USD. Những doanh nghiệp trẻ như Base.vn, TopCV, Dat Bike, PhenikaaX... đã góp phần khẳng định vị thế của người trẻ Việt trên bản đồ khởi nghiệp khu vực.
![]() |
Đồng chí Huỳnh Mạnh Phương, đại diện thế hệ trẻ, Ủy viên Ban Chấp hành Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra sáng 30/4 tại TP Hồ Chí Minh |
Thanh niên Việt Nam hôm nay phải dám nghĩ lớn, làm thật, dẫn dắt xã hội số, phát triển văn hóa số, đổi mới giáo dục, khởi nghiệp sáng tạo, vươn ra thế giới với niềm tự hào là người Việt Nam.
Hơn thế, mỗi hành động hôm nay - từ học tập, lao động đến khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, làm việc thiện nguyện - đều phải xứng đáng với máu xương cha ông đã đổ xuống, với lời hứa danh dự trước tiền nhân: Sẽ làm cho đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Kỷ niệm 50 năm Đại thắng mùa Xuân 1975 là lời nhắc nhớ về trách nhiệm hôm nay và tầm nhìn ngày mai. Chúng ta không thể để đất nước tụt hậu, dân tộc đánh mất cơ hội; mỗi bước đi đều cần khát vọng, trí tuệ và hành động cụ thể.
![]() |
Khối chiến sĩ giải phóng quân tiến qua lễ đài Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra sáng 30/4 tại TP Hồ Chí Minh |
Tinh thần 30/4 bất diệt sẽ lan tỏa trong từng nhịp phát triển, từng công trình xây dựng, từng giấc mơ khởi nghiệp để Việt Nam vươn cao, sánh vai các cường quốc năm châu, vì một tương lai phồn vinh, nhân văn, trường tồn.
Tin liên quan
Đọc thêm

Sức mạnh và tầm vóc thời đại

Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Bài học trường tồn từ bản anh hùng ca Đại thắng mùa Xuân 1975*

Phát biểu của Tổng Bí thư tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng

TP Hồ Chí Minh mở rộng tạo thành một cực tăng trưởng mới tầm cỡ khu vực và quốc tế

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu

Phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ vì lợi ích chung của đất nước, vì Nhân dân

Tương lai thuộc về những dân tộc biết ấp ủ khát vọng lớn
