Khó bỏ túi nilon vì thiếu sản phẩm thay thế
Hàng ngày, những chiếc xe chở túi ni lông như thế này vẫn đến các chợ giao túi cho các tiểu thương
Bài liên quan
Làn tái chế từ dây nhựa của phụ nữ phường Xuân La
Ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ trong thích ứng với biến đổi khí hậu
Giảm thiểu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu tới phát triển kinh tế
Nâng cao vai trò công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu
PRO Việt Nam hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường vì môi trường bền vững
Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019
Không dùng túi nilon nữa thì dùng gì?
Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi nilon ngày càng cao trong khi ý thức của người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải từ nguồn chưa cao, dẫn tới lượng rác thải từ túi nilon ngày càng gia tăng.
Chị Ngô Thị Hằng (48 tuổi, một tiểu thương ở chợ X22, Vũ Xuân Thiều, Long Biên, Hà Nội) nói: “Chúng tôi vẫn sử dụng túi nilon vì nó rất tiện mà chưa có loại gì để thay thế cả. Hầu hết, người dân đi chợ vẫn hỏi nilon đựng đồ thì chúng tôi bắt buộc phải sử dụng túi cho khách. Tôi cũng có nghe nói nói về loại túi tự hủy sinh học nhưng khi hỏi các cửa hàng bán túi thì họ nói là nhà sản xuất chưa sản xuất được số lượng lớn và giá thành rất đắt, bán loại túi này không được lãi nhiều”.
Một tiểu thương tại chợ Hôm chia sẻ, trung bình mỗi ngày, cửa hàng phải dùng từ 2 - 3 kg túi nilon để đựng hàng cho khách.
“Không phải chúng tôi không biết túi nilon khó phân huỷ nhưng nói thật, cả người bán lẫn người mua đều không chú ý đến vấn đề này đâu, cứ cái gì tiện lợi, nhanh chóng là dùng. Nếu giờ có sản phẩm thay thế, tiện lợi, giá cả phải chăng được như túi này thì chúng tôi sẵn sàng hưởng ứng ngay”, tiểu thương này cho hay.
Rõ ràng, việc sử dụng túi nilon hàng ngày đã trở thành thói quen của số đông người dân bởi sự thuận tiện trong sinh hoạt và giá thành rẻ. Có nhiều biện pháp, gợi ý được đưa ra nhằm khuyến khích người dân hạn chế túi nilon như sử dụng túi sinh học, túi giấy, túi vải… Tuy nhiên, giá thành của các loại sản phẩm này khá cao. Vì vậy, nếu không có bất kỳ một sản phẩm nào thay thế với chức năng, giá thành tương đương thì việc vận động người dân loại bỏ túi nilon là một điều không hề dễ dàng.
Năng lực quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam còn nhiều hạn chế
Tại Lễ ra quân Quốc gia chống rác thải nhựa mới đây, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn cho rằng, công tác phòng chống rác thải nhựa còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó cả doanh nghiệp, người dân vẫn còn thói quen phổ biến trong sinh hoạt sử dụng túi ni lông. Việc phân loại rác thải nhựa, tỉ lệ thu gom, tái chế thấp, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, giá thành sản phẩm thay thế còn cao cũng là những rào cản.
Dù đã xuất hiện một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm túi phân hủy từ tinh bột hoặc túi, ống hút, găng tay, cốc giấy phân hủy sinh học... nhưng còn rất hiếm hoi.
Ông Albert T. Lieberg - Trưởng đại diện Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam đánh giá, năng lực quản lý chất thải ở Việt Nam còn hạn chế khiến gánh nặng gia tăng từ chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng ngày một lớn.
Theo đại diện FAO, ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm. Tỉ lệ nghịch với tiêu thụ nhựa và xả thải rác nhựa tăng là chính sách quản lý chất thải, việc xây dựng cơ sở tái chế và các chính sách có liên quan lại không đáp ứng kịp cho nhu cầu nói trên. Các loại nhựa sử dụng một lần phổ biến nhất được tìm thấy trong môi trường là nắp chai nhựa, giấy gói thực phẩm, túi, ống hút...
Việc thiếu cơ sở hạ tầng cũng như cách thức quản lý, phân loại, xử lý rác thải nhựa lại là vấn đề chung của toàn xã hội và đòi hỏi các giải pháp mang tính hệ thống khi xử lý, nếu không muốn trở nên quá muộn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, một trong những công cụ để hạn chế sản xuất cũng như sử dụng túi nilon nhỏ là đánh thuế các cơ sở sản xuất. Việc đánh thuế các cơ sở sản xuất đã được thực hiện từ nhiều năm trước, cụ thể thu thuế 40.000 đồng/kg túi nilon nhỏ (tương đương với giá bán hiện tại). Với việc làm này, giá bán của các cơ sở sản xuất sẽ tăng gấp đôi.
Một cán bộ môi trường về hưu ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, Chính phủ nên tính toán chi phí xử lý một túi nilon bị thải ra ngoài môi trường. Chi phí này sẽ được tính thành thuế đánh vào sản phẩm túi nilon. Mỗi túi này nên được xem như một sản phẩm hoàn chỉnh có nhãn mác số seri để dễ quản lý và chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Siêu thị và chiến lược giảm thiểu rác thải nhựa
Ông Iwamura Yasutsugu – Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam cho hay, Aeon Mall Việt Nam đang tiến hành hợp tác với các gian hàng hiện đang kinh doanh trong trung tâm thương mại để giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng một lần. Bên cạnh đó, đơn vị này đang lên kế hoạch tái sử dụng rác thải tại nguồn như kế hoạch phân loại rác thải có thể tái chế tại các gian hàng trong trung tâm thương mại sau đó sử dụng nhựa đã tái chế để làm áo mưa hoặc các vật dụng khác.
“Để phong trào chống rác thải nhựa mang lại hiệu quả thực chất và bền vững, trước tiên, chúng ta cần nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng những đồ dùng bằng nhựa. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn áp dụng kinh nghiệm thực hiện hoạt động tái sử dụng Tập đoàn Aeon đang thực hiện tại Nhật Bản là thực hiện 3R để giảm lượng rác thải: Reduce (Giảm thiểu tối đa lượng rác thải), Reuse (Sử dụng lại), Recycle (không vứt bỏ những đồ không dùng được, tái sử dụng thành nguyên liệu hoặc nhiên liệu). Ngoài ra, Aeon Mall rất vui được hợp tác với các đối tác mong muốn thực hiện các Chương trình chống rác thải nhựa. Aeon Mall mời các đơn vị sử dụng các sảnh và trung tâm hội nghị của Aeon Mall để thực hiện các chương trình và tuyên truyền về chống rác thải nhựa”, ông Iwamura Yasutsugu nhấn mạnh.
* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019