Khoảng 1.018 người đăng ký hiến mô, tạng
Ngày hội được tổ chức không chỉ tôn vinh những người đã hiến mô, tạng và gia đình họ, mà còn kêu gọi cộng đồng quan tâm, tìm hiểu về phong trào hiến mô, tạng, nhằm lan tỏa nghĩa cử nhân văn sâu sắc này, đồng thời làm tăng nhận thức trong việc hiến tạng, huy động ngày càng có thêm nhiều người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết và hiến xác phục vụ y học, tiếp thêm hy vọng sống cho những bệnh nhân suy tạng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, nhu cầu ghép mô tạng ở Việt Nam rất lớn khi có hàng chục nghìn người bị suy tạng, nhưng nguồn mô tạng tiếp nhận rất ít. Nhiều người bệnh vẫn đang phải giành giật sự sống trên giường bệnh và không ít người đã tử vong vì không có nguồn tạng hiến.
GS.TS. Trịnh Hồng Sơn –Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối tạng quốc gia cho biết: Cả nước hiện có hơn 10.000 người suy tạng cần ghép; khoảng 300.000 người bị bệnh giác mạc; khoảng 6.000 người bị suy thận mãn chờ ghép thận, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan.
Trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng với thế giới dù đi sau nhiều thập kỷ. Ghép thận, gan, tim đã trở thành thường quy tại nhiều cơ sở với chi phí chỉ bằng 1/3 so với các nước. Cả nước có 17 cơ sở có đủ khả năng ghép tạng và đã thực hiện hơn 2.500 ca được ghép, trong đó có hai ca ghép đa tạng là thận và tụy; tim và phổi.
Trung bình mỗi ngày, tại các cơ sở y tế có hàng chục người chết não nhưng đến nay mới chỉ có 5 trường hợp gia đình hiến tạng. Do đó, việc vận động các bệnh nhân chết não, tim ngừng đập hiến tặng mô, tạng là cần thiết vì đây là nghĩa cử cao đẹp cần được nhân rộng.
Hiện cả nước đã có hơn 10.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời. Thông qua ngày hội "Chung tay vì sự sống", các đơn vị tổ chức chương trình kêu gọi cộng đồng, xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ quan tâm, tìm hiểu về phong trào hiến tặng mô, tạng; khích lệ, động viên những hành động cao đẹp vì cộng đồng.