Không để công nghệ "giết chết" cảm xúc của nhà báo
Báo chí góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng hành vì lợi ích quốc gia, dân tộc |
Nội dung tốt là “vua”, công nghệ là “nữ hoàng”
Nội dung Talkshow xoay quanh vấn đề vai trò của người làm báo trong kỷ nguyên số, những cơ hội và thách thức của người làm báo trong bối cảnh hiện nay, đồng thời đưa ra những quan điểm, kinh nghiệm làm báo trong thời kỳ mới.
Các chuyên gia, diễn giả nhận định rằng, trong kỷ nguyên số, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kết nối, số lượng các tờ báo điện tử cũng nở rộ khắp nơi trên thế giới, truyền tải thông tin dưới mọi hình thức. Không ai có thể phủ nhận được công nghệ đã mang tới những tiện ích vượt bậc cho người làm báo nhưng cũng không ít khó khăn để thực hiện tốt tính ưu việt của công nghệ số. Trước sự phát triển mạnh mẽ và rộng lớn của công nghệ thông tin vừa tạo thuận lợi cho lĩnh vực báo chí phát triển và cũng là thách thức sống còn đối với người làm báo, đòi hỏi những người làm báo ngày nay phải nhanh chóng bắt kịp với xu thế thời đại.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Cố vấn Ban Biên tập Tạp chí Người làm báo chia sẻ |
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Cố vấn Ban Biên tập Tạp chí Người làm báo khẳng định: “Nội dung và công nghệ luôn phải song hành. Trong bối cảnh kỷ nguyên số, nội dung báo chí đương nhiên phải có chất lượng tốt để có bạn đọc. Khi có nội dung tốt thì cần phương tiện truyền thông để giúp lan tỏa”.
Theo ông, công chúng ở đâu thì báo chí ở đó. Hiện nay có câu hỏi rằng, có nên tách biệt giữa nội dung và công nghệ không, ông cho rằng nội dung tốt là “vua”, còn công nghệ là “nữ hoàng”. Người làm nội dung phải nghĩ đến công nghệ. Ở trên thế giới cũng có rất nhiều nhà báo làm tốt cả 2 hai khía cạnh này, nhiều cơ quan để có sức mạnh thì cũng phải kết hợp nội dung và công nghệ.
Bàn về những thách thức trong bối cảnh hiện nay, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, công nghệ làm cho thế giới thay đổi, sự ra đời của các sản phẩm trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đặt ra các vấn đề cần phải giải quyết. Đối với bản thân người làm nghề phải nhận thức rõ, báo chí gióng lên hồi chuông để công nghệ không "giết chết" cảm xúc của con người, nhà báo.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ |
Áp lực và những giọt mồ hôi hạnh phúc
Theo nhà báo Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, phóng viên hiện nay rất áp lực về hiệu quả lan tỏa của thông tin. Ông cho rằng, nếu làm ra một sản phẩm báo chí không có người đọc thì bài báo đó chưa đạt hiệu quả. Ông dẫn chứng tại báo Kinh tế & Đô thị chấm nhuận bút có 4 yếu tố, trong đó có tiêu chí view.
“Làm sao tin bài có lượng view cao mà vẫn đúng theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan, tòa soạn, đòi hỏi nhà báo phải trở thành chuyên gia ở lĩnh vực mình theo dõi. Trong đó, trách nhiệm của nhà báo khi thông tin về các sự kiện không chỉ nhanh, mà cần góc tiếp cận độc đáo, chia sẻ thông tin và áp dụng công nghệ. Các nhà báo phải học hỏi nhiều thứ, trong đó có công nghệ”, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo Điện tử Dân Việt/Nông thôn ngày nay chia sẻ |
Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo Điện tử Dân Việt/Nông thôn ngày nay, trước bối cảnh chuyển đổi số, các bạn trẻ đang gặp thách thức lớn. Đó là chuyển đổi số khiến nhà báo trượt theo thông tin thời sự, mạng xã hội cạnh tranh dẫn đến chưa đào sâu vấn đề, thông tin không còn mang tính độc quyền. Thách thức tiếp theo đó là nhà báo khó giữ được bản lĩnh trước những lợi ích khác.
“Tôi luôn nói với các bạn trẻ rằng, cứ đi là sẽ có đường, cái gì chưa biết hãy mạnh dạn mở lối cho bản thân mình. Phải biết lựa chọn hành động và đề phòng giữ mình. Giọt mồ hôi của người làm báo còn rơi là giọt mồ hôi hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ ở điểm đến mà cả trên đường đi”…