Khuyến khích doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo nghề
Hà Nội chú trọng đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn Cầu nối giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động |
Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh tại hội nghị tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên diễn ra ngày 16/5.
Thông tin tại hội nghị, Bộ GD&ĐT cho biết, tính đến 12/2024, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp.
![]() |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị (Ảnh:baochinhphu) |
Năm 2024, khối trường này tuyển sinh được 2,43 triệu người, trong đó tuyển sinh cao đẳng, trung cấp là 430.000 người. Nhóm ngành Kỹ thuật - công nghệ được người học lựa chọn nhiều nhất - chiếm 46%, đặc biệt tập trung vào các ngành công nghệ ô tô, công nghệ điện, công nghệ thông tin.
Nhóm ngành Nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 12%, tăng 4% so với năm 2023 nhờ đẩy mạnh đào tạo nông nghiệp công nghệ cao.
Nhóm ngành Y dược, chăm sóc sức khỏe chiếm 10%, có xu hướng tăng do già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Bộ GD&ĐT đánh giá các ngành, nghề có kết quả tuyển sinh cao tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ngành, nghề phổ biến, có nhu cầu sử dụng lao động cao trong xã hội như: Kỹ thuật công nghệ, công nghệ thông tin; du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn...
Những năm gần đây, các ngành nghề mới nổi, đào tạo xanh cũng được nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm, chuyển hướng đào tạo.
Bên cạnh những ngành, nghề tuyển sinh tốt còn có những ngành, nghề khó tuyển sinh, tập trung ở những lĩnh vực ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như: Khai khoáng, mỏ, hầm lò; xử lý chất thải, môi trường...
Theo Bộ GD&ĐT, thời gian qua, mặc dù nhận thức của người dân, người học về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên nhưng tâm lý coi trọng bằng cấp và tư tưởng thích học đại học hơn học nghề, coi học nghề là con đường cuối cùng trong lựa chọn của học sinh vẫn còn nặng nề.
Cùng với việc tuyển sinh đại học với quy mô và số lượng lớn (luôn chiếm khoảng 50 - 70% số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm), phương thức tuyển sinh đại học đa dạng, dễ dàng cũng tạo ra nhiều khó khăn cho tuyển sinh cao đẳng, trung cấp, tạo ra áp lực cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh.
Tuyển sinh cho giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên vẫn đối mặt với những khó khăn như tâm lý người dân vẫn còn coi trọng bằng cấp, đa phần phụ huynh vẫn hướng con em vào đại học sau khi tốt nghiệp THPT. Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học chưa thực sự hiệu quả.
Đưa ra những định hướng trọng tâm cho công tác tuyển sinh năm 2025, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu từng bước thống nhất và đồng bộ công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục; xây dựng hệ thống thông tin tuyển sinh tích hợp, cho phép người học dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu và đăng ký xét tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên.
![]() |
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: baochinhphu) |
Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế tuyển sinh thống nhất, áp dụng cho tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên cả nước, đảm bảo công bằng, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho người học.
Trước mắt để kịp thời triển khai công tác tuyển sinh theo đúng kế hoạch, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tiếp tục thực hiện theo các phương thức tuyển sinh truyền thống và nghiên cứu hệ thống tuyển sinh đại học để chủ động đăng ký tham gia.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cần đổi mới mạnh mẽ phương thức truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội để tiếp cận hiệu quả với đối tượng người học; đẩy mạnh truyền thông về các câu chuyện thành công, tấm gương điển hình của người học và người lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, áp dụng hình thức xét tuyển linh hoạt phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, địa phương; số hóa quy trình tuyển sinh, từ đăng ký xét tuyển, xét duyệt hồ sơ đến công bố kết quả, nhập học.
Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các cơ sở cần có chính sách tuyển sinh ưu tiên, hỗ trợ đặc biệt để thu hút người học, góp phần đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, cần rà soát, cập nhật, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng mềm cho người học; tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tin học, kỹ năng số.
Việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp cần tăng cường nhằm thúc đẩy hình thức đào tạo kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, trong đó người học được học tập, thực hành tại cả trường học và doanh nghiệp, thúc đẩy học tập suốt đời trong xã hội, đặc biệt là đối với người lao động trong độ tuổi.
Gợi ý nghiên cứu triển khai mô hình "học kỳ doanh nghiệp" để người học có cơ hội trải nghiệm thực tế môi trường làm việc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo và tuyển dụng học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.
Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề trong các dự thảo Luật sửa đổi trình Quốc hội trong năm 2025.
Việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo là một bước tiến quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống giáo dục thống nhất, liên thông và hiệu quả. Vì vậy, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo.
Tin liên quan
Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng thế hệ công dân số, yêu nước và phụng sự Nhân dân

Sôi động ngày hội STEM - bứt phá cùng khoa học

AI “tiếp sức” sỹ tử mùa thi

Hà Nội: Khen thưởng giáo viên, học viên giỏi khối giáo dục thường xuyên

Chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp THPT 2025 - 2026

Đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đến năm 2030

Chậm nhất ngày 23/5, công bố danh sách học sinh được tuyển thẳng lớp 10

Trường Đại học Việt Nhật tuyển sinh sau đại học

Việt Nam đang là “sân chơi” lớn cho marketer kỹ thuật số
