Kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, hành động lợi dụng dân chủ, nhân quyền
Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội thăm và trò chuyện với giáo viên, học sinh Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang); Ảnh: TTXVN |
Trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Bên cạnh những cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để tăng cường năng lực bảo đảm các quyền của người dân, còn nảy sinh những thách thức từ việc một số thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá ta, nhất là trong vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền.
Với phương châm chủ động trong công tác đấu tranh ngoại giao trên lĩnh vực nhân quyền, Việt Nam đã ban hành Sách trắng về thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam, trong đó đề cập đến nhiều chính sách và quan điểm đúng đắn, thành tựu trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo ở nước ta. Đồng thời, tăng cường chủ động thông tin đối ngoại về vấn đề dân tộc, tôn giáo, thông qua các cơ chế đối thoại đa phương và song phương. Việc nghiên cứu về dân chủ, nhân quyền trong quan hệ quốc tế và rút ra bài học kinh nghiệm trong hoạt động ngoại giao trên các lĩnh vực này là vấn đề cấp thiết hiện nay nhằm góp phần nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong đấu tranh trên lĩnh vực đối ngoại. Cụ thể trong giai đoạn 2014 - 2020, Việt Nam đã ứng cử và đang tham gia nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, như Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014 - 2016), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (nhiệm kỳ 2016 - 2018) và Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2020 - 2021). Bên cạnh công tác vận động ứng cử, việc nghiên cứu, chuẩn bị kỹ các nội dung, chủ đề được cộng đồng quốc tế quan tâm tại các diễn đàn quốc tế và khu vực đã được đặt ra, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng như cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của các cơ chế này để có thể tham gia đóng góp hiệu quả, có trách nhiệm vào công việc chung; đồng thời, bảo đảm các quan điểm, sự quan tâm của Việt Nam về vấn đề này.
Chủ động và tích cực trong đấu tranh ngoại giao trên lĩnh vực nhân quyền nói chung, dân tộc, tôn giáo nói riêng là phương thức hiệu quả trong tình hình hiện nay, đặc biệt thông qua các kênh ngoại giao chính thức (ngoại giao nhà nước), ngoại giao Đảng (đối ngoại Đảng) và ngoại giao nhân dân. Đây là các kênh quan trọng trong việc đấu tranh nhằm bảo vệ và khẳng định các giá trị nền tảng của chế độ, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, tăng cường đối thoại chính sách và học thuật giữa chính giới, các nhà thực thi chính sách và pháp luật, các nhà khoa học trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, thông qua các kênh chính thức và không chính thức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy và tăng cường đấu tranh hiệu quả đối với các vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.
Đối thoại về dân tộc, tôn giáo tại các diễn đàn đa phương, song phương, khu vực và quốc tế hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, thường xuyên cung cấp thông tin, vừa vận động, vừa đấu tranh với các biện pháp nhằm vào từng đối tượng cụ thể để tranh thủ và phân hóa lực lượng; tích cực, chủ động tham gia sâu rộng các diễn đàn quốc tế và khu vực, các cơ chế quốc tế và khu vực về nhân quyền, qua đó thể hiện chính sách, quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống các âm mưu lợi dụng các diễn đàn đa phương để vu cáo Việt Nam; chủ động xây dựng các báo cáo quốc gia về việc thực hiện các nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên; thường xuyên cung cấp thông tin, trả lời đúng hạn các kháng thư của các cơ chế Liên hợp quốc; tích cực tham gia các hội nghị quốc tế lớn, các hội nghị khu vực về nhân quyền. Thông qua đó, mở rộng các kênh đối thoại (kênh học giả, đối ngoại nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội,...), tích cực tổ chức các hội thảo, hội nghị, hoạt động quốc tế về dân tộc, tôn giáo.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đại diện của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) bằng hình thức trực tuyến, ngày 10/9/2020; Ảnh: TTXVN |
Trong những năm qua, Việt Nam đã tiến hành 16 vòng đối thoại với Mỹ, 18 cuộc đối thoại với Liên minh châu Âu (EU), 8 cuộc đối thoại với Ô-xtrây-li-a, 9 cuộc đối thoại với Na Uy, Thụy Sĩ...; đồng thời, tham gia nhiều diễn đàn quốc tế liên quan đến dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc. Ngoài việc tham gia các cuộc đối thoại chung, Việt Nam cũng đã tiến hành và tổ chức các cuộc đối thoại song phương định kỳ với các nước và khu vực, bao gồm Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Na Uy, Liên minh châu Âu (EU),... đặc biệt là tăng cường đối thoại với Mỹ và EU để đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo”(CPC). Chỉ tính riêng giai đoạn 5 năm (từ năm 2015 đến nay) Việt Nam đã tiến hành 6 cuộc đối thoại về nhân quyền với Mỹ, 5 cuộc đối thoại với EU, 3 cuộc với Na Uy, 4 cuộc với Thụy Sỹ.
Chủ động lồng ghép các biện pháp và nội dung vận động đấu tranh về dân tộc, tôn giáo trong công tác đối ngoại, đặc biệt là trong các hoạt động ngoại giao quy mô lớn và trong lộ trình thúc đẩy quan hệ ổn định, lâu dài với Mỹ và phương Tây; tăng cường thông tin, tuyên truyền đối ngoại đề cao chính sách, luật pháp và thành tựu của Việt Nam, vừa kiên quyết đấu tranh, vừa bày tỏ thiện chí đối thoại và hợp tác về dân tộc, tôn giáo với các nước này trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp công việc nội bộ của mỗi nước; chủ động hơn đối với việc đưa nội dung dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo vào nội dung làm việc của lãnh đạo cấp cao của nước ta khi đi thăm các nước hoặc trong dịp đón lãnh đạo các nước thăm Việt Nam, qua đó quảng bá về các thành tựu bảo đảm quyền con người và chủ động đấu tranh trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo.
Cùng với đó là việc chủ động và tích cực tham gia cuộc đấu tranh chung về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo tại các cơ chế và diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, nhằm góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam; cùng các nước tích cực đấu tranh bảo vệ và phát huy các nguyên tắc, nội dung tiến bộ về tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Đồng thời, tích cực sử dụng các cơ chế vận động (vận động hành lang) để tác động đến chính giới; vận động hình thành và thúc đẩy các nhóm nghị sĩ, chính khách ủng hộ Việt Nam. Trong đấu tranh, cần có các biện pháp tác động đến cả ba nhóm đối tượng ở Mỹ và các nước phương Tây: 1- Chính quyền; 2- Quốc hội ; 3- Các tổ chức xã hội, tôn giáo và tổ chức phi chính phủ nói chung.