Kiện toàn Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ
Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội về cải tạo chung cư cũ Đẩy nhanh cải tạo chung cư cũ, cấp nước sạch cho người dân |
Chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội |
Theo quyết định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh là Trưởng ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông là Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên là Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải là Phó Trưởng ban Chỉ đạo.
Các Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Giám đốc Công an thành phố; Giám đốc Sở Xây dựng (Ủy viên Thường trực); Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Giám đốc Sở Tư pháp; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Cục trưởng Cục Thuế thành phố; Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND thành phố; Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố; Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng; các bí thư, chủ tịch UBND các quận, huyện (có nhà chung cư cũ).
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu của Thành ủy hoặc UBND thành phố để phục vụ công tác. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do ngân sách thành phố bảo đảm theo quy định.
Quyết định này thay thế Quyết định số 1594-QĐ/TU ngày 18/10/2021 của Thành ủy.
Trước đó, trước tình trạng chung cư cũ tại Hà Nội xây dựng đã lâu, nhiều chung cư bị xuống cấp nghiêm trọng, cần phải thực hiện đầu tư xây dựng lại nhằm góp phần chỉnh trang đô thị, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, ngày 18/12/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Đề án Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội và 6 kế hoạch triển khai Đề án (chia thành 6 đợt).
Trong đó, đợt 1 ưu tiên thực hiện đối với 10 khu chung cư (4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D và 6 khu chung cư có tính khả thi cao). Đề án xác định các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện.
Thành phố cũng đã ban hành các quyết định tạm cấp kinh phí cho một số quận, huyện để kiểm định và lập quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo lại các chung cư cũ. UBND các quận, huyện đang tập trung lựa chọn nhà thầu kiểm định, lập quy hoạch.
Đến nay, Sở Xây dựng cho biết, đã phê duyệt nhiệm vụ kiểm định 1.022 nhà chung cư thuộc các quận, huyện: Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Long Biên, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đông Anh, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm. Đã có 8 quận, huyện lựa chọn được đơn vị kiểm định là: Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ, Đông Anh, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Ba Đình.
UBND quận Đống Đa đã hoàn thành di dời các hộ dân, tổ chức ra khỏi nhà nguy hiểm cấp D số 51 phố Huỳnh Thúc Kháng. UBND quận Ba Đình đang tuyên truyền, vận động di dời các hộ dân còn lại tại các nhà nguy hiểm cấp D trên địa bàn. Các quận: Ba Đình, Đống Đa cũng đã được bố trí vốn kiểm định và đang lựa chọn nhà thầu kiểm định đánh giá chất lượng các nhà chung cư còn lại thuộc khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D.