Kinh nghiệm nắm tình hình, xử lý các vấn đề tôn giáo phát sinh
Đó là khẳng định của TS Bạch Thành Định, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn công tác Tôn giáo, tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024 – 2029 diễn ra chiều 21/8. Ông Định đã có tham luận về "Kinh nghiệm trong công tác nắm tình hình, xử lý các vấn đề tôn giáo phát sinh trên địa bàn thành phố".
Phát hiện từ sớm, từ xa
Chuyên gia Bạch Thành Định nhìn nhận, bên cạnh mặt tích cực, trong quá trình xây dựng và phát triển, hoạt động tôn giáo cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi các ngành các cấp, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải chủ động trong công tác nắm tình hình.
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024 – 2029 |
MTTQ cần phát hiện từ sớm, từ xa những vấn đề tôn giáo phát sinh trên địa bàn, tham mưu kịp thời các giải pháp và phối hợp giải quyết, không để nảy sinh phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn giáo và sự vững mạnh của chính quyền Nhân dân.
Theo TS Bạch Thành Định, những vấn đề phức tạp nảy sinh trong hoạt động tôn giáo phổ biến là những vi phạm về địa điểm tổ chức sinh hoạt tôn giáo nhất là các tổ chức hoạt động mang “màu sắc” tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận; sinh hoạt tôn giáo ngoài cơ sở thờ tự; tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến đất đai có nguồn gốc tôn giáo qua các thời kỳ cách mạng; vấn đề cải tạo sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo, xây dựng mới cơ sở thờ tự, mở rộng khuôn viên cơ sở thờ tự.
Cùng với đó là các hoạt động xã hội tôn giáo: Khám chữa bệnh, trông trẻ, mở trường học; việc bổ nhiệm các chức sắc về các cơ sở tôn giáo; mâu thuẫn giữa các quy định của tôn giáo và phong tục tập quán địa phương; hoạt động của các tín đồ và chức sắc tôn giáo nước ngoài ở Việt Nam.
Giải quyết kịp thời
Ông Định nhìn nhận, thực tiễn sinh động nhiều năm qua trên địa bàn Thủ đô cho thấy: Mặt trận Tổ quốc là cơ sở chính trị của chính quyền, đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của Nhân dân, tập hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại Nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TS Bạch Thành Định, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn công tác Tôn giáo tham luận tại Đại hội |
Công tác nắm tình hình của các cấp Mặt trận Tổ quốc đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, phối hợp cùng các ngành, các cấp chính quyền thành phố giải quyết thành công nhiều vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn thành phố.
Yêu cầu công tác nắm tình hình của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là phải nắm bắt kịp thời phản ứng của Nhân dân thông qua dư luận xã hội, qua giám sát của Mặt trận, của các đoàn thể quần chúng và người dân ở cơ sở về các vụ việc xảy ra trên địa bàn, trong đó có lĩnh vực tôn giáo; việc chấp hành thực hiện các chủ trương, nghị quyết chính sách của Đảng, Nhà nước và Hội đồng Nhân dân các cấp.
Trên cơ sở đó, phản ánh kịp thời, trung thực, có trách nhiệm với các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ngành có chức năng chuyên môn; đồng thời có các kiến nghị, khuyến cáo và đề xuất các giải pháp để giải quyết sớm ổn định tình hình, đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo đoàn kết tôn giáo, đảm bảo an ninh môi trường và an ninh con người; xây dựng Thủ đô văn minh hiện đại hội nhập với khu vực và thế giới.
Số hoá công tác Mặt trận các cấp
Ông Bạch Thành Định rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là trong công tác nắm tình hình xử lý các vấn đề tôn giáo phát sinh trên địa bàn thành phố, Hội đồng Tư vấn về dân tộc và tôn giáo đã tập hợp được đội ngũ trí thức có quá trình hoạt động khá toàn diện trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước, hoạt động tôn giáo, hoạt động văn học nghệ thuật...
Họ là những người có kiến thức chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực, tâm huyết và có trách nhiệm với xã hội với Thủ đô, do đó nhạy cảm với các vấn đề phát sinh, có kiến thức để luận giải trên cơ sở khoa học, quan điểm của Đảng, Nhà nước, quy định pháp luật về dân tộc, tôn giáo. Hơn ai hết họ là những người hoạt động trong tôn giáo am hiểu giáo lý, giáo luật, tâm lý của các tín đồ, chức sắc, chức việc trong tôn giáo.
Tham luận được minh hoạ bằng hình ảnh |
Từ đó, những phản ánh của họ, ý kiến tham mưu đề xuất sát với tình hình, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của người có đạo... Trên cơ sở này các cấp Mặt trận, chính quyền có giải pháp phù hợp. Vì vậy, xây dựng đội ngũ tham gia Hội đồng Tư vấn về tôn giáo và dân tộc có chất lượng là kinh nghiệm quý trong công tác nắm tình hình.
Theo ông Định, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, thế giới bây giờ “phẳng” hơn bao giờ hết. Do vậy, muốn nắm thông tin một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác, kể cả âm thanh, hình ảnh công tác Mặt trận cũng phải từng bước số hóa. Hiện nay hệ thống thông tin của thành phố, trong đó có Mặt trận Tổ quốc thành phố đã đến tận cơ sở xã, phường. Vấn đề đặt ra là tổ chức khai thác sao cho hiệu quả, đáp ứng yêu cầu từng cơ quan, đơn vị, từng cấp.
Song song với việc nghiên cứu ứng dụng cần xây dựng các biểu mẫu yêu cầu báo cáo nội dung nắm tình hình về từng loại vụ việc, nhận xét, đề xuất phương hướng giải quyết để phát huy vai trò của từng cấp, nhất là ở cơ sở. Theo ông Đình, cần duy trì đưa vào nền nếp thường xuyên, định kỳ có đánh giá, biểu dương, khen thưởng và rút kinh nghiệm cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình và xử lý các vấn đề tôn giáo phát sinh trên địa bàn Hà Nội…
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, đồng thời cũng là trung tâm tôn giáo - nơi có trụ sở của Trung ương Giáo hội các tôn giáo của cả nước, hiện có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp giấy chứng nhận hoạt động. Hà Nội có 8 tôn giáo được Nhà nước công nhận với khoảng 4 triệu tín đồ, với hàng ngàn cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Trong đó, Phật giáo có 2059 cơ sở, Công giáo có hơn 400 cơ sở... |