Kinh nghiệm thoát hiểm của người “đi qua” hoả hoạn
Người dân chung cư mách nhau cách ứng phó hỏa hoạn |
Thang dây “cứu cánh”
Gia đình anh Nguyễn Công Huy (ở tầng 3 của chung cư mini bị cháy tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã may mắn thoát khỏi vụ cháy đêm 12/9. Anh Huy kể, nghe tiếng hô hoán cháy nhà, anh bật dậy quan sát và nghĩ chỉ còn cách thoát ra bằng cửa phụ ngoài ban công.
Anh vội vã gọi cả nhà thức dậy và yêu cầu mọi người giữ bình tĩnh. Tất cả phải vào phòng tắm, lấy khăn mặt dấp nước, đắp lên mặt rồi lấy khẩu trang bịt thêm bên ngoài để tránh hít phải khói độc. Sau đó, anh chạy đi lấy chiếc thang dây đã mua dự phòng từ nhiều năm sử dụng để thoát hiểm.
Chiếc thang dây được sử dụng để nhiều người thoát khỏi đám cháy chung cư mini |
Trước đây, anh Huy cũng đã được học và thực hành kỹ năng thoát hiểm tại cơ quan khá nhiều lần nên tương đối bình tĩnh. Vụ cháy vừa qua, gia đình anh may mắn thoát nạn vì sử dụng chiếc thang dây từ cửa sổ phụ.
Chia sẻ về kỹ năng thoát hiểm trong vụ cháy, anh cho biết, trước tiên mỗi gia đình cần được tập huấn các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cơ bản để có thể ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Theo anh Huy, nguyên tắc đầu tiên là phải bình tĩnh, xác định nhanh các lối thoát hiểm có thể có trong tình huống khẩn cấp. Thứ hai, khi có khói, mọi người cần bình tĩnh dùng khăn, vải ướt để bịt mũi, chống độc, qua đó có thêm thời gian để tìm cách thoát hiểm. Thứ ba, phải tập trung quan sát, nếu cháy tầng trên thì phải tìm cách chạy xuống dưới và ngược lại. Thứ tư, mỗi gia đình, đặc biệt các hộ ở chung cư cần có các dụng cụ thoát hiểm cần thiết.
Trong trường hợp của gia đình anh Huy, chiếc thang dây đã trở thành "cứu cánh" cho cả 4 thành viên cùng một số người khác thoát nạn.
Dùng khăn ướt che mũi, miệng tránh khói độc
Gia đình chị Minh Hồng (nhà ở tầng 7, khu chung cư mini bị cháy) đã chọn cách “cố thủ” trong căn hộ, đóng, chèn cửa và đổ nước vào chăn, khăn, rồi cả nhà che mũi, miệng để thở.
Chia sẻ kỹ năng thoát nạn trong đám cháy kinh hoàng tại chung cư mini, chị Hồng cho hay: "Cả nhà tôi khi đó dù rất hoảng hốt nhưng kịp lấy lại bình tĩnh, đóng kín tất cả các cửa của căn hộ, sau đó chèn khăn ướt vào các khe cửa để ngăn khói tràn vào nhà. Sau khi bịt kín các khe cửa, cả nhà trong đó có 2 bé che khăn ướt lên mũi và miệng để tránh hít phải khói độc".
Bên cạnh đó, khi bị mắc kẹt trong đám cháy, chị Hồng cùng người nhà cũng kêu cứu, soi đèn ra bên ngoài, vừa cố gắng động viên nhau chờ lực lượng phòng cháy chữa cháy tới cứu hộ.
Lực lượng bảo vệ được tập huấn phòng cháy chữa cháy để đối phó với hoả hoạn |
Tương tự như gia đình chị Hồng, chị N.M.T (ở tầng 6, khu chung cư mini bị cháy) cũng dùng khăn ướt bịt mũi miệng để thở. N.M.T kể, khi vụ cháy xảy ra, chị đang còn học bài và hiểu rằng mình đã bị mắc kẹt trong đám cháy. Ở trên tầng 6 nên không thể nhảy xuống cũng không thể chạy đi được khi ngọn lửa ngùn ngụt nên N.M.T đành “cố thủ” trong nhà, dùng khăn ướt bịt mũi, miệng để thở và đợi lực lượng cứu hoả.
Ngắt cầu dao, tắt các thiết bị điện
Từ vụ cháy chung cư mini xảy ra tại quận Thanh Xuân vừa qua, chị Nguyễn Loan (sống tại Hà Nội) cũng kể lại câu chuyện thoát hoả hoạn cách đây không lâu của gia đình chị.
Theo thói quen, nấu ăn xong, chị Loan sẽ dập cầu dao bếp nhưng tối hôm ấy, chồng chị về muộn ăn cơm một mình. Chị hâm nóng thức ăn, dọn bát đũa cho chồng và mải trò chuyện rồi quên luôn việc ngắt cầu dao bếp. Khoảng 2h sáng, chị Loan tỉnh giấc đi vệ sinh. Trong trạng thái nửa mơ nửa tỉnh mở cửa phòng ngủ ra nhà vệ sinh thì chị ngửi thấy mùi khét lẹt.
Sau đó chị chạy thật nhanh xuống tầng 1. Từ căn bếp, khói xám đen cuồn cuộn bốc lên, chị Loan lao thẳng đến, mở ngăn tủ bếp, dập cầu dao, nhấc cái nồi thức ăn đã cháy đen vào chậu rửa bát vội vàng xả nước ngâm và may mắn thoát nạn.
Từ những thông tin về cháy chung cư, chị Loan thiết lập quy tắc với các con: Luôn ghi nhớ, khi nấu ăn xong, phải nhấc hết xoong nồi ra khỏi bếp từ, kiểm tra tắt cầu dao bếp. Khi mẹ đi làm đêm, trực trên cơ quan, con gái lớn có trách nhiệm kiểm tra bếp núc cẩn thận. Các thiết bị đồ điện như bàn là, máy sấy tóc sử dụng xong là phải rút phích cắm ra. Bếp từ, bình nóng lạnh... dùng xong cần dập cầu dao, tránh nguy cơ cháy nổ; Trước khi ra khỏi nhà đi học, đi làm, buổi tối trước khi đi ngủ phải nhớ kiểm tra bếp, các thiết bị điện trong nhà an toàn…