Kỷ niệm 439 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm
Chương trình nghệ thuật "Lung linh miền đất Trạng" |
Dự chương trình có các đồng chí: Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đặng Bá Cường, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng; Phạm Văn Thép, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng; Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng; Nguyễn Đức Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo; Nguyễn Hoàng Long, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo cùng hàng ngàn Nhân dân và du khách thập phương.
Đại biểu và Nhân dân về dự lễ kỷ niệm |
Lễ Kỷ niệm ngày mất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một hoạt động thường niên, được UBND huyện Vĩnh Bảo tổ chức.
Các đại biểu làm lễ dâng hương |
Theo sử sách ghi lại, Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình vọng tộc. Thuở nhỏ, ông học rất giỏi. Song, do xã hội lúc đó nhiều biến động, mãi đến năm 45 tuổi ông mới dự thi. Liên tiếp 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu, giành học vị cao nhất - Trạng Nguyên và được vua Mạc bổ chức Hiệu thư ở Viện Hàn Lâm rồi chuyển sang chức Đại học sĩ Toà Đông Các, sau thăng Tả thị lang Bộ Hình rồi Tả thị lang Bộ Lại, tước Trình Quốc Công.
Làm quan được 8 năm, triều Mạc bất ổn, ông dâng sớ vạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua chấp thuận. Mùa thu năm Nhâm Dần (1542), ông từ quan về quê dựng Am Bạch Vân mở trường dạy học.
Suốt từ đó cho tới tuổi ngoài 90 ông vẫn làm nghề dạy học, xây dựng con người vì sự tồn vong của dân tộc. Cho đến mùa Đông năm Ất Dậu (1585), Ông lâm bệnh nặng và mất, thọ 95 tuổi.
Lễ đọc Chúc văn |
Học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm đều trở thành những danh tướng, Trạng nguyên lưu danh sử sách như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền… Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là nhà triết học lớn của Việt Nam. Ông cũng tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là “nhà tiên tri” số một của Việt Nam với hàng loạt những lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là “Sấm Trạng Trình”.
Hiện tại, những câu chuyện về lời sấm truyền của Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn được lưu truyền và nghiên cứu.
Giải Bóng chuyền huyện Vĩnh Bảo mở rộng |
Các hoạt động thể thao bên lề hội (Giải đấu vật) |
Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông, đền thờ có sứ mệnh lịch sử đặc biệt, là nơi để tri ân những đóng góp của một danh nhân trong lịch sử, vừa là địa điểm diễn ra các hoạt động, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.
Lớp lớp các thế hệ học trò trên mọi miền Tổ quốc có dịp đều muốn ghé qua để “xín vía học hành đỗ đạt” của Trạng Nguyên và tri ân công đức của vị quan Trạng đã có công gây dựng lên nền móng cho học vấn nước nhà từ những năm khai quốc.
Thông tin từ Ban tổ chức lễ hội Đền Trạng Trình huyện Vĩnh Bảo, lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày (27 - 29/12/2024). Ngoài các phần nghi lễ truyền thống như lễ mộc dục; cáo yết; rước văn… còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như giải vật truyền thống của nhiều vận động viên trong huyện và vận động viên các đơn vị bạn tham dự; chương trình thơ, nhạc về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với sự tham gia của các câu lạc bộ thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm huyện Vĩnh Bảo, Câu lạc bộ thơ các huyện: Tiên Lãng, Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương), Quỳnh Phụ, Thái Thuỵ (tỉnh Thái Bình); chương trình liên hoan văn nghệ các làng văn hóa xã Lý Học; giải bóng chuyền huyện Vĩnh Bảo mở rộng; trưng bày các sản phẩm OCOP; Hội thi "Khi tôi 18" và đốt pháo bông; hội thi dân vũ; giải đua thuyền truyền thống; giải pháo đất, cờ tướng…
Đặc biệt, trong dịp này Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm ngay trước thềm lễ hội, đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ, Nhân dân thành phố và huyện, với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đã và đang làm hết sức mình với tất cả tấm lòng và tình cảm tôn kính đối với danh nhân, là dịp chúng ta báo công dâng lên Trạng Trình những thành tựu mà Đảng bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Bảo giành được trong năm 2024.
Lễ hội là dịp quảng bá, tưởng nhớ, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Đồng thời, lễ kỷ niệm cũng góp phần khơi dậy tinh thần hiểu học cho các thế hệ học sinh, sinh viên.