Ký ức ngày độc lập trong tâm trí của cán bộ tiền khởi nghĩa
Ông Nguyễn Tiến Hà (thứ 2 từ phải sang) cùng thành viên Ban Liên lạc chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu
Tuổi trẻ đi theo ánh sáng cách mạng
Ông Nguyễn Tiến Hà kể, buổi sáng mùa thu năm 1945 ấy, Hà Nội bừng sáng trong cờ đỏ sao vàng, người dân – trong tâm thế của người làm chủ đất nước độc lập tự do, từ khắp nơi hân hoan đổ về Quảng trường Ba Đình để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ mới.
“Năm 1944, phong trào cách mạng tại Hà Nội lên cao, tôi vừa tròn 18 tuổi, lại có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp nên được các đồng chí tín nhiệm, dìu dắt vào Đoàn Thanh niên cứu quốc Bạch Mai, nhận nhiệm vụ dạy truyền bá chữ quốc ngữ để xóa mũ chữ cho người lao động nghèo. Tuy nhiên, đó chỉ là vỏ bọc, thực chất chúng tôi được giao nhiệm vụ lớn hơn là thông qua dạy chữ mà mở mang dân trí, khơi gợi lòng yêu nước, vạch trần sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, phát xít Nhật. Từ đó, tuyên truyền về Việt Minh, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết đánh đổ ách thống trị, giải phóng khỏi xiềng xích nô lệ”, ông Nguyễn Tiến Hà kể lại.
Ảnh minh họa |
Cuộc đời ông bước sang trang mới. Đặc biệt, tháng 3 năm 1945, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu (trong Mặt trận Việt Minh) nhánh dây Bạch Mai được thành lập mà ông Hà vinh dự là một thành viên. Trong tổ chức của thanh niên, ông Hà càng có điều kiện tham gia vào nhiều hoạt động yêu nước. Ông Hà kể lại: “Thời điểm này, cuộc sống của nhân dân rất khổ sở, nạn đói hoành hành quá khủng khiếp và thảm thương. Tôi đau xót như mình bị mất như từng khúc ruột và trào dâng lòng căm thù giặc sâu sắc. Hơn ai hết, tôi thấy lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: Toàn dân đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta là vô cùng khẩn thiết”.
Vì thế, ngoài nhiệm vụ được giao, ông Hà cùng các đồng chí của mình không quản ngại khó khăn, đi gom từng bát cơm, nắm gạo để cứu đói cho dân, tiếp tục tuyên truyền về tội ác của phát xít Nhật để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân. Nhờ sự chuẩn bị tích cực từ nhiều năm trước của Đảng cộng sản, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc nên khi nắm bắt được cơ hội giành chính quyền, chúng ta không bị động mà nhanh chóng tập hợp nhân dân tạo thành khối thống nhất, đả đảo chính phủ bù nhìn, tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8/1945 mà không phải đổ máu. Đó là một kỳ tích trong lịch sử.
Ký ức lịch sử
Ở tuổi 91, tuy đã lúc nhớ lúc quên nhưng hình ảnh những ngày mùa thu lịch sử trong tháng 8 năm 1945 vẫn không phai mờ trong ký ức của ông Nguyễn Tiến Hà. Ông xúc động kể: “Sau bao nhiêu năm đất nước chìm đắm trong đêm dài nô lệ nay mới được sống trong không khí cách mạng, được làm người dân của đất nước độc lập nên ai ai cũng đều phấn khởi, tự hào và sung sướng vô cùng. Đặc biệt, đêm tối ngày 1/9, cả Hà Nội gần như thức trắng, tôi không ngủ được, hồi hộp lắm chứ, chuẩn bị trang phục chỉnh tề, trời tờ mờ sáng đã ra khỏi nhà hòa trong dòng người từ khắp nơi đổ về Quảng trường Ba Đình lịch sử, chờ được gặp Bác Hồ và nghe Tuyên ngôn Độc lập”.
5 giờ sáng 2/9, ông Hà đã có mặt tại Quảng trường Ba Đình. “Tôi mong chờ và cảm động nhất là giây phút được nhìn thấy Hồ Chủ tịch. Trước đó, tôi mới được nghe kể về Bác, chưa được gặp mặt nên trong tiềm thức của mình, tôi luôn nghĩ Bác phải là người quắc thước, bệ vệ. Tuy nhiên, khi Bác bước ra lễ đài, tôi vô cùng ngạc nhiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc - vị lãnh tụ của chúng ta có dáng người hao gày, đôi mắt sáng, giọng nói đanh thép và hào hùng”, ông Hà nghẹn ngào kể.
Ảnh minh họa |
Đã 73 năm trôi qua nhưng ông Hà vẫn rành rọt đọc lại từng chữ, từng câu của Tuyên ngôn Độc lập trong sự xúc động, nghẹn ngào. “Trong giờ khắc thiêng liêng đọc Tuyên ngôn độc lập, Người đã dừng lại và hỏi: Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Cả rừng người ở Quảng trường như làn sóng dậy lên, hô vang: “Có ạ! Có ạ”. Tôi không bao giờ quên những giây phút đặc biệt thiêng liêng này. Đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới, Bác không chỉ nói cho oai mà Bác đang nói cho nhân dân của mình nghe khiến tôi rất ngưỡng mộ, kính trọng và không ngờ một vị lãnh tụ mà gần gũi nhân dân đến thế”, cán bộ tiền khởi nghĩa Nguyễn Tiến Hà nhớ lại.
Từ một nước chưa có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam giờ đây đã có thể ngẩng cao đầu với bạn bè khắp năm châu. Vị thế của một nước Việt Nam mới được bắt đầu từ thời khắc lịch sử, thiêng liêng đó. Không chỉ những người có mặt tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 mà cả dân tộc Việt Nam hôm nay đều tự hào về Đảng, về vị lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu đã mang đến cơ hội để có nền độc lập và dân tộc Việt Nam quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, mới đây, Thành ủy Hà Nội tổ chức gặp mặt thân mật đại diện Ban liên lạc các chiến sỹ Việt Minh thành Hoàng Diệu.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chia sẻ sự xúc động khi chứng kiến các bác trong Ban liên lạc chiến sỹ Việt Minh thành Hoàng Diệu dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn mang trong mình bầu nhiệt huyết của những đảng viên, những chiến sĩ trong Cách mạng tháng Tám năm xưa, luôn dõi theo và tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.
Theo Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng, cuộc gặp mặt là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô bày tỏ tấm lòng tri ân đối với các chiến sỹ Việt Minh thành Hoàng Diệu, những người đã cống hiến, hy sinh xương máu cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng, phát triển Thủ đô, đất nước.
Thông tin đến các đại biểu trong Ban liên lạc về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Thành phố trong những năm qua, nhất là sau 10 năm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, tinh thần và gương sáng của các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu luôn là nguồn động viên các thế hệ người Hà Nội hôm nay sống, lao động, làm việc và học tập xứng đáng với lớp cha anh đi trước.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn trân trọng, biết ơn đánh giá cao vai trò, vị trí và những đóng góp của các chiến sỹ Việt Minh thành Hoàng Diệu. TP Hà Nội trân trọng tiếp thu toàn bộ những kiến nghị, đề xuất của Ban liên lạc chiến sỹ Việt Minh thành Hoàng Diệu, đồng thời giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan của Thành phố để giải quyết.
Thay mặt Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng mong muốn các chiến sỹ Việt Minh thành Hoàng Diệu bằng kinh nghiệm, trí tuệ và uy tín của mình, sẽ tiếp tục có những đóng góp quý báu cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô.