Làm rõ phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ
![]() |
Các đại biểu đều tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học nhằm khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành; thể chế hóa chủ trương, quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Hiến pháp 2013 và các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và yêu cầu về cơ cấu, trình độ, chất lượng nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
ĐBQH đoàn TP Hà Nội Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh "Dự thảo luật lần này đã có những bước tiến quan trọng về cách tiếp cận, tư tưởng chỉ đạo, phản ánh tư duy mới về nâng cao chất lượng đại học, thể chế hóa rõ nét hơn quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học của Đảng và nhà nước. Dự thảo luật lần này cũng đã quy định rõ hơn về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ sở giáo dục đại học như trong Điều 32. Điều 16 quy định rõ hơn về quản trị đại học, các thiết chế quản trị đại học, trách nhiệm của hội đồng trường. Điều 67 quy định rõ hơn về việc các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ, sử dụng một phần tài sản vào liên doanh, liên kết nhằm mục đích phát triển giáo dục đại học".
Bên cạnh đổi mới phân tầng giáo dục đại học, quyền của Hội đồng trường đại học... một số đại biểu cho rằng cần quy hoạch mạng lưới các trường đại học sao cho tiết kiệm, hiệu quả, để các trường phát huy cao nhất lợi thế so sánh, tránh trường hợp mở ra quá nhiều trường trong một khu vực hoặc trùng nhiều ngành nghề đào tạo, dư thừa nguồn lực, gây lãng phí cho xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan lưu ý, trong luật cần quy định rõ các điều kiện tối thiểu để trường thành lập mới tại một địa phương, một vùng địa lý cụ thể. Trước khi Chính phủ xem xét quyết định thành lập trường mới cần xem xét kỹ lưỡng điều kiện địa lý, tính đặc thù, sự khác biệt ngành nghề đào tạo, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu nguồn lực, để bảo đảm trường mới thành lập phát triển tốt, không ảnh hưởng đến các trường đã có ở khu vực vốn đang thực hiện tốt việc đào tạo phục vụ xã hội về ngành nghề đó.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Lan, Điều 33 của dự thảo Luật đã quy định khá cụ thể về điều kiện mở ngành đào tạo mới. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát để có quy định phù hợp, vì không phải ngành nào cũng giống ngành nào, nên cần xác định điều kiện riêng cho một số ngành nghề đặc biệt. Các ngành đòi hỏi yếu tố kỹ thuật cao phải quy định chặt chẽ hơn về điều kiện mở ngành như đủ nhân lực, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm học tập, nghiên cứu...
Cho ý kiến về tự chủ đại học, các đại biểu nhấn mạnh việc đẩy mạnh tự chủ đại học là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học. Đi đôi với mở rộng tự chủ là tăng cường trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là nâng cao vai trò, năng lực của Hội đồng trường.
![]() |
ĐBQH đoàn TP Hà Nội Hoàng Văn Chiến bày tỏ đồng tình, đánh giá cao thành công bao trùm của dự thảo Luật Giáo dục đại học đó là phân định và tách bạch được quản lý nhà nước về giáo dục đại học với quản trị cơ sở giáo dục đại học. Luật năm 2012 đã chỉ ra quyền tự chủ cho các trường đại học tuy nhiên do chưa quy định rõ nên việc thực hiện tự chủ theo luật 2012 mới chỉ là tự lo về tài chính còn các quyền khác chưa được thực hiện.
Dự thảo luật lần này đã giao phần lớn công việc quản trị các trường đại học cho tự thực hiện, điều này cho phép các trường thực sự thực hiện được quyền tự chủ, không chỉ về tài chính mà cả về đào tạo, về khoa học, về tổ chức bộ máy và nhân sự. Các trường phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước và đặc biệt chúng ta biết tài sản giá trị lớn nhất không phải chỉ là tài sản vật chất mà quan trọng hơn là tài sản vô hình như danh tiếng, uy tín.
"Chính vì vậy, quyền về sở hữu tài sản của các trường đại học thuộc về quyền của cả xã hội, trong đó có người học, cựu học viên và người sử dụng lao động. Vì vậy, tôi đề nghị trong luật này cần phải quy định rất rõ trách nhiệm giải trình của các trường đại học đối với người học, cựu học viên và đối với những đơn vị là người sử dụng lao động về giải trình đối với các chuẩn đầu ra, sản phẩm đào tạo của mình để chính cơ sở đó là cơ sở để xã hội sẽ thực hiện vai trò giám sát đối với các trường đại học", đại biểu Chiến cho biết.
Về việc tự chủ công nhận, bổ nhiệm chức danh GS,PGS, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, theo kinh nghiệm của thế giới, khi các trường đại học bổ nhiệm một GS thì luôn phải gắn với các nhiệm vụ GS đó phải đảm nhận. Còn ở Việt Nam, thời gian qua xảy ra rất nhiều lùm xùm trong việc công nhận, bổ nhiệm chức danh này. Bởi nhiều khi việc bổ nhiệm chức danh chưa gắn với yêu cầu của trường đại học, người không giảng dạy cũng được công nhận GS, gây nên những ỳ xèo, bức xúc trong dư luận.
“Tôi đồng tình khi trong dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi khẳng định 5 chức danh nghề nghiệp của giảng viên là trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư và giáo sư. Tuy nhiên, tôi xin đề nghị bên cạnh việc quy định các tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp cho mỗi một chức danh này thì trong luật cũng cần phải quy định rõ về cơ cấu, vị trí việc làm gắn liền với nhiệm vụ, quyền hạn của những người được bổ nhiệm vào chức danh đó phải làm gì. Nếu bổ nhiệm như thế chúng ta sẽ tránh được tình trạng bổ nhiệm tràn lan, nhiều giáo sư nhưng khi bổ nhiệm xong thì giáo sư này cũng không đảm nhận được công việc giảng dạy, nghiên cứu. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên giao quyền bổ nhiệm các chức danh này cho các trường chứ không nên thực hiện thông qua các hội đồng ngành, tạo ra những điều rất phiền toái, không hay như thời gian vừa qua”- đại biểu Cường kiến nghị.
Cũng góp ý về Dự thảo này, bên cạnh việc đồng tình với quy định thu học phí của các trường đại học dựa trên cơ sở tính giá dịch vụ đào tạo, đại biểu Cường cũng băn khoăn việc này có thể sẽ tăng khó khăn cho những đối tượng là học sinh nghèo tiếp cận giáo dục đại học.
Từ đó vị đại biểu này đưa ra kiến nghị "Tôi rất đồng tình với quy định là cơ chế thu học phí của các trường đại học phải dựa trên cơ sở tính giá dịch vụ đào tạo, dựa vào cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí để tạo thành giá dịch vụ đào tạo. Chỉ có trên cơ sở thu đúng giá dịch vụ đào tạo như thế thì các trường mới có cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc đào tạo các chương trình có chất lượng cao. Tuy nhiên, trong điều luật, chúng ta cũng cần phải quy định rất rõ trách nhiệm xã hội của các trường trong việc bắt buộc phải dành một tỉ lệ học phí để dành cấp học bổng cho những học sinh nghèo hoặc các đối tượng chính sách xã hội”.
![]() |
Giải trình, làm rõ những nội dung các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, quá trình tự chủ phải thực hiện có lộ trình theo từng bước; trong quá trình tự chủ phải bao gồm quá trình giám sát chất lượng và có lộ trình.
“Tự chủ không có nghĩa là nhà nước không có trách nhiệm về tài chính, mà có đầu tư và có nhiều chính sách về học bổng, học phí và miễn học phí, đặc biệt là có những chính sách đặt hàng, đặt bài theo nhu cầu của nhà nước. Những ngành có tính đặc thù thì nhà nước vẫn phải đặt hàng theo nhu cầu của xã hội và chất lượng của đào tạo”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết thêm, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để để làm sao tiến tới không có sự phân biệt để tạo sự bình đẳng giữa các trường trong và ngoài, tiếp tục hoàn thiện Dự luật này.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Chính phủ được ban hành nghị quyết để sửa luật

"Chốt" mô hình Tòa án Nhân dân 3 cấp, có hiệu lực từ 1/7

Vận hành mô hình chính quyền hai cấp bảo đảm chất lượng, thông suốt

Hà Nội sẽ tổ chức triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội

Chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

Thông qua Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) với nhiều quy định mới

Nới điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam

Thủ tướng lên đường dự Hội nghị WEF 16 Thiên Tân và làm việc tại Trung Quốc

Đẩy mạnh tuyên truyền triển khai chính quyền địa phương 2 cấp
