Lại "nóng" tình hình tội phạm trộm cắp và tiêu thụ xe gian
Triệt phá ổ nhóm trộm cắp nhiều xe máy giấu trong nghĩa trang Tuần tra Nhân dân bắt nóng đối tượng trộm xe SH Triệt phá băng nhóm tội phạm trộm cắp, tiêu thụ xe máy, đánh bạc, cho vay lãi nặng |
Tội phạm có tổ chức
Mới đây nhất, đêm 6/6, rạng sáng 7/6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Cầu Giấy, Công an huyện Sóc Sơn và các đơn vị có liên quan, triệt phá băng nhóm tội phạm có tổ chức về các hành vi trộm cắp, tiêu thụ xe máy, đánh bạc, cho vay lãi nặng.
Lực lượng chức năng đã đưa về trụ sở 31 đối tượng có liên quan. Tang vật thu giữ gồm 34 xe máy các loại, ma tuý tổng hợp, các giấy tờ sổ sách liên quan đến cờ bạc và cho vay lãi nặng.
Vụ án được dư luận quan tâm trong bối cảnh tình hình trộm cắp và tiêu thụ xe gian ở Hà Nội diễn biến phức tạp. Hiện cơ quan Công an vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án.
Xe gian (xe trộm cắp) bị thu giữ |
Trước đó, cuối năm 2021, Công an quận Tây Hồ vừa triệt phá ổ nhóm trộm cắp xe máy lớn nhất từ trước đến nay. Tang vật thu giữ hàng chục xe máy và tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng.
Theo đó, ngày 23/12, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Khắc Kiên (sinh năm 1978, ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng - có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản); Phạm Văn Hoàng (sinh năm 2000, ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng); Phạm Văn Nam (sinh năm 1965, ở huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) và Nguyễn Đức Quang (sinh năm 1977, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội - 2 tiền án về tội chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có); Nguyễn Văn Thế (sinh năm 1990, ở huyện Quế Võ, Bắc Ninh) về tội trộm cắp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Sau mỗi “phi vụ” lấy trộm được xe máy, Kiên và Hoàng trực tiếp mang đi tiêu thụ cho các đối tượng Phạm Văn Nam, Nguyễn Đức Quang và Nguyễn Văn Thế.
Công an quận Tây Hồ xác định, tổng số thiệt hại Kiên và Hoàng gây ra lên đến hàng trăm triệu đồng...
Thực tế cho thấy, trong các vụ trộm cắp xe máy thường có từ 2 - 3 đối tượng thực hiện. Các đối tượng này hoạt động lưu động, chuyên nghiệp và liều lĩnh.
Tội phạm trộm cắp xe máy hay “săn” những chiếc xe dựng ở vỉa hè, hành lang đường, trước cửa nhà. Nhiều người dân cho rằng phương tiện của mình vẫn trong tầm kiểm soát nên không đóng khóa từ, ổ khóa điện, không khóa càng xe, rồi ung dung sinh hoạt trong nhà. Đáng chú ý, khi chủ ý thực hiện tội phạm, đối tượng xấu đều hướng vào các loại xe máy tay ga dòng cao cấp, có giá trị lớn từ vài chục đến cả trăm triệu đồng như xe SH, Vespa… Thời gian các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp thường từ cuối giờ sáng hoặc cuối giờ chiều, hoặc buổi tối từ khoảng 22h đến rạng sáng hôm sau.
Nhiều đối tượng ở ngoại tỉnh về Hà Nội, thuê trọ và thay đổi chỗ ở liên tục để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng. Từ đây, tội phạm hoạt động theo nhóm hoặc câu kết hình thành đường dây, ổ nhóm trộm cắp, tiêu thụ. Chúng phân công nhau thăm dò trên các tuyến đường, khi phát hiện người dân sơ hở trong việc trông coi, nhanh chóng tiếp cận, dùng vam phá khóa, lấy trộm xe. Đa phần các đối tượng đều có tiền án, tiền sự về tội danh, hành vi trộm cắp, nên sử dụng thủ đoạn tinh vi, táo tợn. Sau mỗi vụ trộm, các đối tượng di chuyển đến địa bàn khác để tránh bị phát hiện, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt.
Lơ là, mất cảnh giác là “bay” xe
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm trộm cắp tài sản thì cùng với sự tuần tra, kiểm soát, đấu tranh, trấn áp tội phạm của lực lượng Công an, điều quan trọng nhất vẫn là mỗi người dân hãy tự nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động khóa xe và trông giữ cẩn thận để bảo vệ tài sản của mình.
Để góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm trộm cắp tài sản, nhất là trộm cắp xe máy, cơ quan Công an khuyến cáo người dân gắn thiết bị chống trộm, định vị trên xe đối với phương tiện giá trị cao, để phòng ngừa mất trộm cũng như hỗ trợ tích cực việc điều tra khi bị mất tài sản.
Tuyệt đối không quên rút chìa khóa xe, đêm về phải đưa phương tiện vào khu vực đảm bảo an toàn, có người trông giữ. Khi có vụ việc xảy ra, hoặc phát hiện những đối tượng có biểu hiện nghi vấn, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời truy bắt, nhanh chóng điều tra, làm rõ đối tượng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Một vấn đề hết sức quan trọng, là các hiệu cầm đồ, sửa chữa xe máy cần tỉnh táo trước phương tiện khách lạ mang đến sửa hoặc gạ cầm cố, bán với giá rẻ. Ổ khóa bị chọc; phương tiện không có giấy tờ; thậm chí để ý, nhận biết biểu hiện bất thường của khách… Bởi, đa phần đó chính là đối tượng trộm cắp, tiêu thụ xe gian.
Cố tình tiêu thụ xe ăn cắp, có thể xử phạt đến 15 năm tù căn cứ theo quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có 1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; d) Thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 10 năm: a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; b) Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1 tỷ đồng trở lên; b) Thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. |