Làm rõ vai trò quan trọng của Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được đưa xem xét tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.
Dự thảo gồm 7 chương, 59 điều với các nội dung cơ bản thực hiện dân chủ ở: Xã, phường, thị trấn; Trong cơ quan đơn vị; Doanh nghiệp; Quy định trách nhiệm của Thanh tra Nhân dân; Trách nhiệm bảo đảm và thực hiện quản lý Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Đáng lưu ý, dự thảo lần này có 6 điểm mới, trong đó: Quy định cụ thể quyền nghĩa vụ công dân, cán bộ công chức viên chức, người lao động trong quy chế dân chủ cơ sở; Bổ sung và đa dạng hóa hình thức công khai thông tin; Quy định quyền Nhân dân được đề xuất nội dung đưa ra để Nhân dân bàn và quyết định; Ý thức của cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố; Trách nhiệm giải trình của cơ quan cấp xã trong quá trình ban hành quy định hành chính bất lợi cho công dân và liên quan tới lợi ích của cộng đồng; Quy định rõ trách nhiệm thực hiện dân chủ cơ sở.
Đại biểu cho ý kiến góp ý vào dự thảo |
Thảo luận tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội nhận định, nội dung các quy định trong luật tương đối đầy đủ, phản ánh rõ các logic pháp lý về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các đối tượng thụ hưởng và thực hiện. Tuy nhiên, dự thảo Luật còn một số nội dung bất cập. Đó là chưa số hóa đầy đủ phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng như báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã ghi nhận; Chưa thống nhất, đồng bộ với các quy định trong các văn bản quy phạm phát luật khác.
Từ nhận định đó, ông Tuyến đề xuất cần quy định người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp được thụ hưởng những gì và đảm bảo để các đối tượng này được thụ hưởng; Đồng thời cần bổ sung chương thanh tra Nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng nhằm thu hút quy định về thanh tra Nhân dân và giám sát đầu tư cộng đồng trong Luật Thanh tra và Luật Đầu tư công ở mục này.
Nhìn nhận thẳng vào những hạn chế trong thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở, bà Bùi Thị Ngân, cố vấn hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức thực hiện các nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở; Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cải cách hành chính, thực hiện Luật Cán bộ, công chức, viên chức… trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang.
“Việc nêu gương, tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là do thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; Trực tiếp chịu trách nhiệm về hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở địa phương, đơn vị”, bà Ngân nêu.
Các đại biểu cũng nêu quan điểm, vai trò của Công đoàn và MTTQ các cấp là rất quan trọng trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Thể hiện ở việc tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên và Nhân dân phát huy quyền làm chủ, nâng cao năng lực làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cần xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm ở các loại hình để triển khai thực hiện. Trong đó: Các xã, phường, thị trấn xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ phải gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng ở cơ sở; Chú trọng công khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đất đai, giao thông, đô thị, kết quả giải quyết đơn thư, các chính sách an sinh xã hội, các khoản đóng góp của Nhân dân…
Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý, giải quyết công việc...
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương kết luận hội nghị |
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết, trong thời gian vừa qua, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã có rất nhiều căn cứ pháp lý và cơ sở chính trị. Cụ thể: Nghị quyết đại hội Đảng các nhiệm kỳ đều đề cập đến dân chủ cơ sở; Có nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nội dung này; Cùng với đó là Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh 34 của Ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định 04 của Chính phủ...
Chính vì vậy, việc tích hợp các nội dung liên quan tới thực hiện dân chủ cơ sở nhằm giảm bớt văn bản, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn; Tạo được sự đồng bộ, thống nhất, rút ngắn thời gian đưa Luật vào cuộc sống.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đánh giá cao những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, phong phú của các đại biểu. Trong đó, đã khẳng định sự cần thiết về việc ban hành Luật thực hiên dân chủ cơ sở; Góp ý về kết cấu bố cục văn phong bảo đảm khoa học, ngôn ngữ luật học; Làm rõ khái niệm đã đề cập trong dự thảo như khái niệm cơ sở, cơ quan hành chính cấp xã; Làm rõ vai trò của MTTQ các tổ chức chính trị xã hội, ban thanh tra Nhân dân, ban giám sát đầu tư kèm điều kiện thực hiện; Quy định thêm, bổ sung điều, khoản cụ thể về quyền của Nhân dân, đặc biệt là quyền giám sát thụ hưởng; Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trong góp ý...
“ Những ý kiến phong phú trên sẽ được chúng tôi tổng hợp đầy đủ để phối hợp với các cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết.