Lấn chiếm điểm dừng, nhà chờ xe buýt: Điệp khúc chưa có hồi kết
Lực lượng chức năng xử lý vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, điểm chờ xe buýt trên phố chùa Bộc
Bài liên quan
Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại phố Đường Thành
Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán hoa dịp lễ
Hà Nội: Tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh tại phố Hồ Đắc Di
Hình ảnh người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh sau dịch Covid-19
Nhiều điểm nóng vi phạm chưa được giải quyết
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 3.755 điểm dừng, 361 nhà chờ, trong đó có nhiều điểm dừng và nhà chờ xe buýt thường xuyên bị chiếm dụng. Sau các đợt ra quân xử phạt của cơ quan chức năng, tình trạng tái lấn chiếm điểm dừng, nhà xe buýt lại tiếp tục xảy ra và một số nơi tình trạng vi phạm này còn có phần nghiêm trọng hơn.
Việc các quán xá đua nhau mọc lên bày bán hàng, xe ôm "vây" nhà chờ hay biến điểm dừng thành nơi trông giữ xe cũng không phải câu chuyện ngày một ngày hai tại các quận nội thành như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa…
Ghi nhận trên phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội), hầu hết các điểm dừng, chờ xe buýt trên tuyến phố này đều được các cửa hàng trưng dụng diện tích để làm điểm trông xe cho khách hàng. Đặc biệt vào khoảng từ 19 - 22h, khi lượng khách đến khu phố này mua sắm đông đúc nhất, các cửa hàng không chỉ chiếm dụng vỉa hè mà còn bất chấp để xe của khách sát lòng đường, gần khu vực điểm chờ xe buýt, khiến hành khách chờ xe không còn chỗ buộc phải đứng xuống lòng đường. Xe buýt vào bến phải dừng, đỗ cho khách lên xuống ở giữa đường, gây cản trở và mất an toàn cho người tham gia giao thông. Việc này cũng gây ra tình trạng tắc đường cục bộ trên tuyến phố này quanh năm do tất cả hoạt động di chuyển chỉ có thể diễn ra dưới lòng đường kể cả người đi bộ.
Cũng trên tuyến phố Chùa Bộc, ghi nhận của phóng viên vào 20h ngày 26/6, một số người dân còn tận dụng vỉa hè cạnh điểm chờ xe buýt gần khu vực giao giữa phố Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch - Đông Các để bán giày. Người ra vào mua bán hàng hóa nhộn nhịp khiến điểm chờ xe buýt nhộn nhạo, hành khách khó khăn để lên, xuống xe.
Thường xuyên đi xe buýt từ Chùa Bộc ra Giáp Bát, chị Nguyễn Thị Chung chia sẻ: “Dọc tuyến phố có 3 điểm dừng và 1 nhà chờ nhưng luôn trong tình trạng bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán. Thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy Công an phường đi dẹp, xử phạt nhưng tình trạng này vẫn tái diễn những ngày sau đó. Tìm được chỗ đứng chờ xe buýt tại các điểm dừng rất khó”.
Điểm chờ xe buýt tại Thượng Đình bị người dân lấn chiếm làm điểm đỗ xe, buôn bán |
Tình trạng trên được ghi nhận tương tự trên đường Khương Đình hướng đi Kim Giang. Ở đây chủ yếu là các điểm dừng xe buýt do vỉa hè hẹp, không thể xây dựng các nhà chờ. Tuy vậy, các điểm dừng luôn trong tình trạng bị các cửa hàng chiếm dụng làm chỗ dựng xe hoặc làm nơi bán hàng.
Đơn cử như điểm chờ xe buýt trước số nhà 254 đến 256 Khương Đình (Khương Đình, Thanh Xuân). Vỉa hè dừng chờ xe buýt khu vực này chỉ rộng khoảng 1 - 1,5m nhưng toàn bộ đã được hộ dân sinh sống trong khu vực sử dụng làm quán bán nước chè, đỗ xe và dựng các vật dụng khác.
Bạn Nguyễn Thị Thúy, sinh viên thuê trọ khu vực Khương Đình cho biết: Tình trạng lấn chiếm điểm dừng, làn xe buýt trên đường Khương Đình diễn ra rất phổ biến. Dọc Khương Đình hướng đi Kim Giang thì người dân sống cạnh lấn chiếm, hướng ngược lại giáp bờ sông thì ô tô, xe máy lấn chiếm để dừng, đỗ.
Tại điểm trung chuyển Cầu Giấy, phía sau nhà chờ xe buýt đã bị chiếm dụng trở thành nơi bán nước. Bên cạnh đó, một số điểm dừng, nhà chờ xe buýt gần các trường học như cạnh Đại học Khoa học Tự nhiên, đối diện Đại học Thủy Lợi, đối diện Royal City… thường xuyên bị xe ôm lấn chiếm bắt khách, cản trở giao thông.
Nhà chờ xe buýt trước cửa tòa Vinaconex (số 1 Nghiêm Xuân Nghiêm, Hà Nội) bị lấn chiếm |
Thực trạng kể trên gây không ít bức xúc và phiền toái cho hành khách đi xe buýt và những người dân xung sống quanh khu vực. Dù đã xảy ra nhiều năm nhưng dường như các lực lượng chức năng, cơ quan chủ quản vẫn chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm lấn chiếm
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra quân xử lý, giải tỏa các vi phạm lấn chiếm hạ tầng dành cho xe buýt. Trong các đợt ra quân, nhiều hàng quán đã được giải tỏa, bàn ghế, ô, bạt bị thu giữ, ô tô dừng đỗ sai quy định bị xử lý, chủ phương tiện xe ôm bị xử phạt...
Nhiều biện pháp nghiệp vụ được áp dụng như tạm giữ xe vi phạm, dùng máy ảnh, máy quay ghi lại những hành vi vi phạm của các phương tiện để có hình thức xử lý cụ thể...
Đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cũng đã đưa ra kiến nghị liên ngành Công an và Thanh tra Giao thông Vận tải cần thường xuyên kiểm tra, xử lý thật nghiêm các hành vi chiếm dụng nhà chờ, điểm dừng xe buýt của các quán nước, xe ôm, ô tô và người bán rong.
Đại diện Transerco đề nghị cơ quan chức năng tăng mức phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm sau khi đã được nhắc nhở, xử lý. Bên cạnh đó, công an, chính quyền sở tại cần phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho người dân, nhất là đối với những người sinh sống trên địa bàn có các điểm dừng đỗ, nhà chờ dành riêng cho loại phương tiện này.
Do thanh tra giao thông không thể chia lực lượng ra “canh” hằng ngày hằng giờ nên để hạn chế tình trạng tái lấn chiếm điểm dừng, làn chờ xe buýt sau giải tỏa, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của chính quyền địa phương bên cạnh việc lực lượng liên ngành thường xuyên kiểm tra, xử lý.