Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ghép ruột từ người cho sống
Học viện Quân y là một trong những trung tâm ghép tạng lớn của Quân đội và cả nước. Sau những thành công về ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép đồng thời tụy - thận, ghép phổi; Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Quân y xác định triển khai ghép ruột từ người cho sống là một nhiệm vụ trọng tâm.
Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y công bố lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ghép ruột từ người cho sống |
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi họp báo |
Để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ trên, Học viện đã tích cực chuẩn bị, cử cán bộ đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về ghép ruột tại Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản và đón đoàn chuyên gia của bạn sang trao đổi kinh nghiệm, tư vấn về ghép ruột tại Học viện.
Trung tướng, Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Uỷ viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự và phát biểu chúc mừng |
Tháng 12/2019, Học viện Quân y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống”. Chủ nhiệm đề tài: Trung tướng, GS. TS. Đỗ Quyết.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Học viện đã tích cực triển khai nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất... và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm ghép ruột trên người với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản. Đồng thời, Học viện cũng phối hợp với các bệnh viện trong nước để tuyển chọn và chăm sóc bệnh nhân có chỉ định ghép ruột.
GS. TS Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam chúc mừng thành công của Học viện Quân Y |
Bệnh nhân số 1: Nguyễn Văn D, 42 tuổi, có tiền sử phẫu thuật vào ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột tại nhiều bệnh viện. Trong đó, bệnh nhân đã phải phẫu thuật cắt ruột khối lượng lớn (chiều dài ruột non còn lại khoảng 80 cm) vào tháng 5 năm 2007.
Ngày 2/5/2020 bệnh nhân vào Bệnh viện Quân y 103 – Học viện Quân y với chẩn đoán suy ruột không hồi phục do hội chứng ruột ngắn type 1, rò đại tràng. Bệnh nhân đã được điều trị nuôi dưỡng tích cực qua đường tĩnh mạch và điều chỉnh các rối loạn do suy chức năng ruột gây ra.
Bệnh nhân số 2: Lò Văn T, 26 tuổi. Đầu tháng 9/2020 bệnh nhân bị viêm phúc mạc do hoại tử gần toàn bộ ruột non, được Bệnh viện huyện Than Uyên, Lai Châu phẫu thuật cấp cứu cắt gần hoàn toàn ruột non (chiều dài ruột non còn lại gần 20 cm).
Ngày 29/9/2020 bệnh nhân được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 – Học viện Quân y với chân đoán suy mòn suy kiệt do hội chứng ruột cực ngắn type 3. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Sau đó xuất hiện bệnh gan chuyển hóa liên quan hội chứng suy chức năng ruột.
GS TS Motoshi Wada - Chuyên gia ghép ruột đến từ Nhật Bản giới thiệu về kỹ thuật ghép ruột |
Sau khi tiếp nhận 2 bệnh nhân, Học viện đã tiến hành khám, xét nghiệm, mời chuyên gia trong nước khám và hội chẩn, xác định cả 2 bệnh nhân trên đều có chỉ định tuyệt đối về ghép ruột. Học viện Quân y đã báo cáo Bộ Y tế xin phép tổ chức thực hiện ghép ruột tại Bệnh viện Quân y 103.
Ngày 27/10/2020, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y đã phối hợp với chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Lò Văn T. Người hiến ruột là mẹ đẻ của bệnh nhân (47 tuổi).
Ngày 28/10/2020, e kíp trên đã thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Nguyễn Văn D. Người hiến ruột là em trai của bệnh nhân (40 tuổi). Sau mổ, 2 người hiến ruột đều ổn định; 2 bệnh nhân ghép ruột đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định và đang được điều trị tích cực.