Lãnh đạo các địa phương phải thường xuyên tương tác với F0 qua phần mềm quản lý
Kịp thời ổn định tinh thần, trợ giúp F0 điều trị tại nhà Để F0 yên tâm tự cách ly và điều trị tại nhà... Đội hỗ trợ nhập liệu F0 cùng người bệnh chiến thắng COVID-19 |
Chiều 13/1, đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thành phố phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo với các Ban Chỉ đạo quận, huyện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Đẩy nhanh việc cập nhật F0 và tiêm chủng trên phần mềm
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, tính từ 7/1-12/1/2021, trung bình thành phố ghi nhận 2.836 ca/ngày, tăng nhiều so với kỳ báo cáo trước (trung bình 2.230 ca/ngày).
Về công tác tiêm chủng, thành phố đã tiêm được tổng số 13.392.358 mũi; Số mũi bổ sung đã tiêm là 225.083 mũi và số mũi nhắc lại là 1.183.944 mũi. Hiện, các quận, huyện, thị xã đang tập trung cho việc thực hiện tiêm chủng tại nhà cho những người không đi lại được. Tính đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến chủng Omicron trên địa bàn thành phố.
Toàn TP đang điều trị 53.515 người. Trong đó, 351 người đang điều trị tại bệnh viện Trung ương; 52.964 người bệnh đang được các tầng quản lý và điều trị.
Tỷ lệ người bệnh nhẹ không triệu chứng (tầng 1) là 95,1%; Tỷ lệ người bệnh triệu chứng trung bình (tầng 2) là 3,95%; Tỷ lệ người bệnh nặng, nguy kịch (tầng 3) là 503 người, chiếm 0,95%, số bệnh nhân nguy kịch là 36 người, chiếm 0.06%.
Phát biểu tại buổi giao ban, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng các địa phương cần thay đổi cách tiếp cận trong việc hỗ trợ điều trị bệnh nhân F0 tại nhà, trong đó tập trung quản lý rủi ro để giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng, tình trạng tử vong.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vắc xin cho người dân trên địa bàn, trong đó có mũi bổ sung và nhắc lại để giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và tỷ lệ tử vong.
Đối với việc điều trị F0 tại nhà, Giám đốc Sở Y tế đề nghị các huyện có điều kiện cơ sở vật chất thì cần tăng cường điều trị F0 tại nhà; Đồng thời bảo đảm việc tiếp cận dịch vụ y tế cho các bệnh nhân F0 này; Đẩy nhanh việc cập nhật bệnh nhân F0 cũng như việc tiêm chủng trên hệ thống phần mềm để tạo thuận lợi cho công tác quản lý.
Sở cũng đề nghị các quận, huyện tăng cường kiểm tra việc kinh doanh các vật tư phòng dịch như kit xét nghiệm, thuốc kháng virus để đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng…
Điều chỉnh, phân bổ lại nhân lực
Kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh ở Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 tăng hơn 600 ca/ngày so với tuần trước. Dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao, nguyên nhân vẫn là do sự chủ quan của các cá nhân, tổ chức.
Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, các đơn vị cần tiếp tục kiên định các giải pháp phòng chống dịch mà thành phố đã đặt ra. Với từng nội dung trong công thức: “"5K+ vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân" phải có giải pháp cụ thể triển khai thực hiện hiệu quả; Trong đó, ý thức người dân là quan trọng nhất.
Các địa phương cũng phải vào cuộc nghiêm túc hơn, không trông chờ vào thành phố. Các phần việc quan trọng như: Mua sắm thuốc, kit test COVID-19 phải được đảm bảo ngay từ cơ sở; Đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch dịp Tết 2022.
Đặc biệt, việc quản lý bệnh nhân COVID-19 phải được thực hiện đúng quy trình, có mạng lưới đầy đủ, không được để xảy ra sai sót trong các tình huống.
Để bệnh nhân COVID-19 được tiếp cận kịp thời, chăm sóc đầy đủ, không gây bức xúc, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị phải điều chỉnh lại cách điều hành, phân bổ lại nhân lực, không để quá tải; Rà soát, thực hiện ngay các chỉ đạo của thành phố, giao ban thường xuyên để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở….
Đánh giá việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 hiện còn chậm, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Y tế báo cáo hàng ngày tiến độ từng địa phương; Đôn đốc việc tiêm vắc xin cho người từ 50 tuổi trở lên có bệnh nền…
Đáng chú ý, các đơn vị phải cập nhập kịp thời dữ liệu người nhiễm COVID-19 mới vào phần mềm quản lý của thành phố.
“Trên hệ thống còn ghi nhận được phản ánh của người dân. Lãnh đạo các địa phương phải cài đặt phần mềm này vào smart phone; Tương tác liên tục để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Phần mềm thiết lập rồi mà các địa phương không vào cuộc thì vô ích”, Phó Chủ tịch UBND TP nói.