Lật tẩy nhiều chiêu trò của "Nữ quái" lừa đảo hơn 160 tỷ đồng
Bắt nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt gần nửa tỷ đồng Công an TP Hà Nội cảnh báo về tội phạm lừa đảo qua mạng gia tăng trong dịp Tết Cảnh giác: 9 chiêu trò lừa đảo phổ biến qua mạng |
Chiều 7/1, TAND TP Hà Nội mở phiên toà xét xử sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Thuỳ Trang (SN 1986, hộ khẩu thường trú tại phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), nguyên trưởng bộ phận kinh doanh xuất nhập khẩu của Trung tâm nghiên cứu và phát triển gạo Việt thuộc Tổng Công ty lương thực Miền Bắc, về tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng và diễn biến phiên tòa, bị cáo Trang từng công tác trong ngành Công an. Đến giữa năm 2012, Trang chuyển công tác làm Trưởng bộ phận kinh doanh xuất nhập khẩu của Trung tâm nghiên cứu và phát triển gạo Việt thuộc Tổng Công ty lương thực Miền Bắc và tháng 7/2019, bị cáo này bị kỷ luật lao động cho nghỉ việc.
Với một số bị hại, Trang "khoe" rằng có thể xin việc vào ngành công an. Nhưng thực chất bị cáo lấy tiền xin việc để tiêu xài cá nhân.
Bên cạnh đó, trong thời gian làm việc tại Tổng Công ty lương thực Miền Bắc, Trang nói với các nạn nhân rằng kinh doanh gạo xuất khẩu đi nước ngoài sẽ có lợi nhuận cao. Qua đó, nếu ai có tiền thì cho Trang vay hoặc góp vốn với Trang, sau mỗi chuyến xuất khẩu gạo người phụ nữ này sẽ trả lợi nhuận.
Để mọi người tin tưởng giao tiền, lúc đầu Trang đã trả lại số tiền gốc và kèm theo một số tiền nói là lợi nhuận. Cùng với đó, Trang đã liên hệ với một đối tượng không rõ lai lịch quen biết trên mạng xã hội Facebook để thuê làm giả 3 đăng ký xe ôtô biển kiểm soát 30F-313.45 mang tên Nguyễn Thị Thuỳ Trang; 1 giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà ở, căn chung cư tại khu đô thị cao cấp ở quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) mang tên Nguyễn Thị Thuỳ Trang.
Sau đó, Trang đưa giấy đăng ký xe ô tô và sổ đỏ giả mang tên Nguyễn Thị Thùy Trang hoặc làm hợp đồng mua bán xe ôtô mục đích để đảm bảo cho các khoản vay; để mọi người tin tưởng tiếp tục góp vốn hoặc cho vay tiền, mua xe. Trên thực tế xe ôtô và nhà Trang đã bán cho người khác.
Với thủ đoạn nêu trên, từ năm 2015 đến 2019, Trang đã lừa đảo chiếm đoạt của 10 người được tổng số tiền là gần 161 tỉ đồng. Đến nay, Trang đã trả lại cho các bị hại tổng số tiền là hơn 76 tỉ đồng, còn chiếm đoạt hơn 84 tỉ đồng.
Trang tại phiên toà |
Bên cạnh 10 vụ lừa đảo nêu trên, Cơ quan điều tra còn xác định Nguyễn Thị Thuỳ Trang còn vay tiền của 3 người nhưng không trả với số tiền lên tới gần chục tỉ đồng. Điển hình như khoảng từ năm 2016 đến 2018, Trang đã vay của vợ chồng chị Đặng Thị Thanh H (trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) hơn 5,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên đến nay Trang mới trả cho chị H 20 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra, vợ chồng chị H trình bày vợ chồng anh chuyển tiền nhiều lần cho Trang vay để kinh doanh gạo. Trang có thoả thuận trả lợi nhuận theo số tiền góp và chuyến tàu đi.
Sau đó, Trang đã trả lợi nhuận theo thoả thuận, còn tiền gốc thì vợ chồng chị Hoa để người phụ nữ vay. Tuy nhiên, lời khai nêu trên của vợ chồng chị H chỉ có thoả thuận miệng với Trang, không có chứng cứ chứng minh nên cơ quan điều tra cho rằng đây chỉ là thoả thuận dân sự. Tại phiên, chị Đặng Thị Thanh H cho biết là bạn học cấp 3 với Trang và đã cho bị cáo này vay hơn 5 tỉ đồng. Khi vay, bị cáo Trang nói kinh doanh gạo và hoa.
Tại phiên toà, chị H cũng cung cấp cho hội đồng xét xử sao kê tin nhắn qua zalo Trang trao đổi với bị hại này. Nội dung tin nhắn giữa bị cáo Trang với chị Hoa về những chuyến tàu gạo.
Tại phiên toà, Trang thừa nhận vay tiền vợ chồng chị H. để kinh doanh hoa và gạo. Đồng thời, bị cáo thừa nhận nội dung nhắn cho chị H. Trước tình tiết mới phát sinh, hội đồng xét xử đã hội ý.
Sau khi hội ý, hội đồng xét xử thống nhất trả hồ sơ để điều tra lại, làm rõ số tiền Trang vay, chiếm đoạt của vợ chồng chị H.