Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2021 kết thúc thành công tốt đẹp
Chuỗi đối thoại trực tuyến “Sống với văn hóa dân gian” thảo luận về văn hóa dân gian trong nền công nghiệp văn hóa và trên các nền tảng số |
VFCD 2021 đem đến một loạt các sự kiện trực tuyến gồm podcast, hội thảo, triển lãm, bên cạnh chuỗi đối thoại về quảng bá và bảo tồn văn hóa nghệ thuật Việt nhằm hưởng ứng xu thế công nghệ số hiện tại. Liên hoan năm nay do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), COLAB Việt Nam, cùng nhiều đơn vị khác.
Số hóa để bảo tồn và phát triển văn hóa Việt
Trong khuôn khổ VFCD 2021, chuỗi đối thoại “Sống với văn hóa dân gian” tìm hiểu văn hóa dân gian trong nền công nghiệp văn hóa và trên nền tảng số. Chuỗi đối thoại trình bày các phương pháp và sáng kiến nhằm đẩy mạnh bảo tồn và số hóa văn hóa dân gian, cũng như nâng cao trải nghiệm của mọi người về văn hóa dân gian trên các nền tảng số.
Chuyên gia tham gia tọa đàm “Văn hóa dân gian trên nền tảng số” đã trình bày về những dự án văn hóa dân gian trên nền tảng số ở Việt Nam và trên thế giới, sử dụng các dạng tư liệu số đa phương tiện về những chủ đề đa dạng khác nhau như nghệ thuật biểu diễn truyền thống, làng nghề, thủ công mỹ nghệ, các đồ vật gắn với phong tục truyền thống, di sản kiến trúc và nghệ thuật tạo hình.
Khách tham dự hội thảo WAVE, một trong 10 sự kiện do Đại học RMIT chủ trì, còn được tiếp cận với một góc nhìn khác về lưu trữ và quảng bá văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo và thiết kế Việt thông qua việc cải thiện nội dung văn hoá nghệ thuật Việt trên Wikipedia - nền tảng dữ liệu mở trực tuyến cho phép người dùng trên khắp thế giới cùng biên tập và cải thiện nội dung.
Phát biểu tại hội thảo, giảng viên ngành Thiết kế (Thiết kế ứng dụng sáng tạo) cô Michal Teague cho biết thông tin trên Wikipedia thường xuất hiện đầu tiên khi mọi người tìm kiếm thông tin trực tuyến.
Giảng viên Đại học RMIT Tiến sĩ Emma Duester nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc lưu trữ số |
Theo quan sát của cô, các nghệ sĩ nổi tiếng, bảo tàng, không gian nghệ thuật, hoặc các loại hình nghệ thuật như nhiếp ảnh Việt từ nhóm thiểu số ít khi có trang Wikipedia và nếu có thì cũng không được đầy đủ và chi tiết.
Tại diễn đàn Lưu trữ nghệ thuật và thiết kế Việt Nam (VADA) về bảo tồn và phát triển văn hóa nghệ thuật, các chuyên gia đã thảo luận về tầm quan trọng của việc lưu trữ số.
“Trong tương lai thông minh, Việt Nam sẽ cần một nền tảng số chung, bền vững và dễ tiếp cận để trưng bày các tác phẩm văn hóa nghệ thuật có tầm ảnh hưởng. Công chúng trong và ngoài nước lẫn các chuyên gia văn hóa, giáo dục và các nhà nghiên cứu đều có thể tiếp cận nền tảng như vậy. Qua đó, chúng ta sẽ thúc đẩy phát triển thông minh cho ngành văn hóa, sáng tạo và thiết kế Việt”, giảng viên Đại học RMIT và đồng chủ trì diễn đàn Tiến sĩ Emma Duester cho biết.
Tại liên hoan, các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, văn hóa dân gian, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm và dịch vụ văn hóa, di sản kiến trúc và một số loại hình văn hóa nghệ thuật khác cũng được khuyến khích quảng bá trên các nền tảng số đa phương tiện.
Trao quyền cho giới trẻ vì một tương lai thiết kế bền vững và sáng tạo
Nhiều bạn trẻ đã có cơ hội giới thiệu tác phẩm sáng tạo của mình đến với công chúng thông qua Triển lãm Dự án sáng tạo của sinh viên RMIT 2021 và triển lãm Lộn xộn. Hai triển lãm này giới thiệu nhiều chủ đề khác nhau từ những trò chơi truyền thống đầy ký ức tuổi thơ, đến góc nhìn mới về thành ngữ Việt Nam, ẩm thực địa phương và các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống.
Dự án “A feast through Stamps” (tạm dịch: Bữa tiệc Tem) tại triển lãm Lộn xộn quảng bá món ăn truyền thống Việt Nam từ Bắc vào Nam do sinh viên ngành thiết kế đồ họa Kim Ngân đến từ Cần Thơ thiết kế |
Các bạn trẻ có cơ hội khám phá vai trò của giáo dục sáng tạo qua chuỗi hội thảo “Sáng tạo ơi, mở ra!” - hướng dẫn cách đưa công nghệ vào các ngành công nghiệp sáng tạo để phát triển kỹ năng thiết kế. Người tham dự còn thảo luận về “tính Việt” trong thực hành sáng tạo tại chuỗi đối thoại “Mua dây, bực mình?”.
“Sáng tạo: Yếu tố thay đổi cục diện” - sân chơi dành cho sinh viên Việt Nam đến từ các ngành khác nhau nhằm đánh thức tiềm năng sáng tạo trong giới trẻ, đồng thời tôn vinh đổi mới và ứng dụng công nghệ vào giải quyết tình huống thực tế. Cuộc thi vẫn tiếp diễn đến ngày 12/12.
Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), liên hoan năm nay đã tạo nên sức lan tỏa sáng tạo mạnh mẽ hơn trong giới trẻ.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, tin chắc rằng VFCD đã thành công trong việc “kết nối các bên liên quan” trong ngành văn hóa sáng tạo, “thu hút được cộng đồng thậm chí còn đa dạng hơn nữa nhờ tài năng của tất cả những người tham gia, nhất là các bạn trẻ với năng lực truyền thông kỹ thuật số và sức sáng tạo của họ”.