Linh hoạt phương thức đóng BHYT nhằm giảm áp lực cho các bậc phụ huynh
BHYT học sinh sinh viên là chính sách an sinh xã hội quan trọng góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước
Bài liên quan
Hà Nội phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT
Bảo hiểm y tế - người bạn đồng hành cùng học sinh sinh viên
BHYT học sinh, sinh viên: Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ
Bảo hiểm Xã hội ra công văn chấn chỉnh việc thu phí BHYT “trọn gói” 15 tháng
BHYT học sinh sinh viên là một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Nhà nước, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước. BHYT học sinh sinh viên cũng là một trong những nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT từ năm 2010, đây là bước đột phá quan trọng trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Nói về quyền lợi của học sinh sinh viên khi tham gia BHYT, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh: “Nhóm học sinh sinh viên có ưu thế lớn trong hưởng thụ các dịch vụ y tế từ quỹ BHYT. Bên cạnh việc được chi trả khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, học sinh sinh viên còn được hưởng gián tiếp các quyền lợi thông qua công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường.
Hiện nay, khoản kinh phí trích lại từ số thu BHYT học sinh sinh viên (chiếm khoảng 82%) là nguồn tài chính chủ yếu đáp ứng phần lớn của hoạt động y tế trường học, nhờ đó, nguồn kinh phí hoạt động trong lĩnh vực y tế trường học không ngừng được tăng lên. Cụ thể, trong năm học 2005 - 2006, kinh phí phân bổ cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học chỉ có 75 tỷ đồng, thì đến nay, con số này tăng hơn 500 tỷ đồng".
Mặt khác, học sinh sinh viên là một trong những đối tượng được Nhà nước hỗ trợ khi tham gia BHYT. Chính sách này được thực hiện với mục đích chăm sóc sức khỏe cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Theo đó, học sinh, sinh viên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ bằng 30% mức đóng, đối tượng đóng 70% còn lại.
Cụ thể, mức đóng BHYT của học sinh sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở. Căn cứ vào Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng thay cho mức lương cũ là 1,39 triệu đồng/tháng, năm học 2019-2020, mức đóng BHYT của học sinh sinh viên là 67.050 đồng/tháng, trong đó học sinh sinh viên chỉ phải đóng 46.935 đồng/tháng, còn nhà nước hỗ trợ 20.115 đồng.
Nhằm giảm bớt áp lực các khoản thu đầu năm học, các gia đình học sinh sinh viên có thể lựa chọn các phương thức đóng linh hoạt theo quý, 6 tháng, 9 tháng hoặc 1 năm phù hợp với điều kiện kinh tế.
Cụ thể, mức đóng BHYT cho 3 tháng sẽ là 201.150 đồng (được Nhà nước hỗ trợ 60.345 đồng, học sinh sinh viên chỉ phải đóng 140.805 đồng. Đóng BHYT cho 6 tháng sẽ là 402.300 đồng (được Nhà nước hỗ trợ 120.690 đồng, học sinh sinh viên chỉ phải đóng 281.610 đồng. Đóng BHYT cho 9 tháng sẽ là 603.450 đồng (được Nhà nước hỗ trợ 181.035 đồng, học sinh sinh viên chỉ phải đóng 422.415 đồng). Đóng BHYT cho 12 tháng sẽ là 804.600 đồng (được Nhà nước hỗ trợ 241.380 đồng, học sinh sinh viên chỉ phải đóng 563.220 đồng).