Livestream không phép tại phiên tòa bị xử nặng hơn ghi âm, ghi hình
Ngày 29/8, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2022.
Quang cảng buổi họp báo |
Pháp lệnh gồm 4 chương, 48 điều quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp ngăn chặn; Đồng thời quy định cụ thể hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục đối với 3 nhóm hành vi.
Cụ thể, nhóm các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, gồm: Tố giác báo tin về tội phạm sai sự thật; Tiết lộ bí mật điều tra, cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng, cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ; Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Nhóm các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, hành chính, việc xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm: Cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án, cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền…; Vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; Hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả…
Thông tin thêm tại họp báo, Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, các luật tố tụng (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính) đều quy định ghi âm, ghi hình hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng thì phải được sự đồng ý của những người đó.
Những người khác khi muốn ghi âm, ghi hình của những người tham gia cũng phải được sự đồng ý của họ. Đây là nguyên tắc thể hiện bảo đảm quyền con người.
Về hành vi livestream (ghi phát trực tiếp), ông Tuệ giải thích các luật về tố tụng chưa sử dụng từ này nên pháp lệnh này chưa quy định. Tuy nhiên, nghị quyết của Quốc hội về xét xử trực tuyến có quy định không được phép livestream.
“Thực ra chúng tôi đã đưa vào rồi nhưng thảo luận, Thường vụ Quốc hội cho rằng livestream là ghi phát trực tiếp, ghi đã là cấm rồi, phát nữa thì hành vi còn nặng hơn. Do đó, đây cũng là hành vi bị nghiêm cấm”, ông Tuệ nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi vì sao luật sư vi phạm bị chế tài nặng hơn, ông Nguyễn Trí Tuệ nêu quan điểm của TAND Tối cao rằng, luật sư là người am hiểu pháp luật; Khi tham gia tố tụng, họ phải thể hiện sự tôn trọng pháp luật, thậm chí làm gương cho những người khác tuân thủ theo. Vì vậy khi họ vi phạm thì mức xử phạt nặng hơn.
“Chúng tôi đã đánh giá rất kỹ điều này. Như Tổng Bí thư nói, những người làm công tác chống tham nhũng lại tham nhũng thì bị xử phạt nặng hơn những người bình thường. Trong trường hợp này luật sư cũng thế”, ông Tuệ cho hay.