Lơ là trong phòng, chống dịch sẽ phải trả giá đắt
Huyện Thanh Oai: Phê bình nghiêm khắc một Chủ tịch UBND xã lơ là phòng, chống dịch Covid-19 Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những nơi lơ là phòng, chống dịch |
Người dân tụ tập đông người vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khi chờ mua bánh trung thu trên phố Thụy Khuê ngày 18/9 |
Số người vi phạm quy định phòng chống dịch vẫn tăng
Ngày 15/9, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 3084/UBND-KGVX điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, cho phép một số quận, huyện không có ca nhiễm trong cộng đồng từ ngày 3/9 được hoạt động trở lại một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ.
Mặc dù nới lỏng nhưng xác định tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn đang trong giai đoạn khống chế, nên việc nới lỏng giãn cách, từng bước trở lại trạng thái bình thường mới được thành phố tiến hành một cách rất cẩn trọng.
TP yêu cầu, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dịch vụ ăn uống, văn phòng phẩm, sửa chữa điện tử, điện lạnh… tại 19 quận, huyện, thị xã của Hà Nội được hoạt động trở lại và phải tạo điểm quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng; Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp. Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Lực lượng chức năng kiểm tra người đi đường |
Thế nhưng, thực tế, những ngày gần đây cho thấy có hiện tượng người dân lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch. Điều đó thể hiện ở chỗ các lực lượng chức năng vẫn liên tục kiểm tra hàng nghìn lượt người, phương tiện ra vào thành phố, đồng thời xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch như: Không đeo khẩu trang nơi công cộng, ra đường khi không thực sự cần thiết...
Đại úy Nguyễn Mạnh Lực, Tổ trưởng Tổ cơ động Y3/141 Công an thành phố Hà Nội cho biết: Thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, những ngày qua, lực lượng công an thành phố vẫn duy trì công tác kiểm tra giấy đi đường và tuyên truyền nhắc nhở người dân không ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
“Việc duy trì công tác kiểm tra người dân tham gia giao thông ngoài đảm bảo mục tiêu an toàn phòng chống dịch, thông qua đó còn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay”, Đại úy Nguyễn Mạnh Lực nhấn mạnh.
Cảnh báo hậu quả của việc chủ quan
Có thể thấy rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, thời gian qua công tác phòng, chống dịch đã có bước tiến mới song vẫn đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn.
Nguyên nhân là do hiện nay vẫn còn xuất hiện các ca F0 ngoài cộng đồng vẫn. Trong khi tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngay cả khi thành phố Hà Nội chỉ đạo xem xét, đánh giá tổng thể để có thể nới lỏng một số hoạt động dịch vụ. Tinh thần chỉ đạo chung vẫn là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã cần thường xuyên chỉ đạo, rà soát, đánh giá các điều kiện phục vụ công tác tiêm chủng trên địa bàn, đặc biệt phải bảo đảm quy định 5K để phòng dịch ở từng địa điểm.
Phương châm chống dịch của Hà Nội trong giai đoạn này là nới lỏng nhưng không lơ là trong phòng, chống dịch |
Từ hiện tượng tập trung đông người xảy ra ở một số điểm tiêm vắc xin vừa qua, lãnh đạo TP yêu cầu,cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu phải nghiêm túc rút ra bài học kinh nghiệm, tập trung chỉ đạo có phương án an toàn ngay từ khâu tổ chức, sắp xếp, phát giấy hẹn, tăng cường tuyên truyền để người dân yên tâm đi tiêm đúng khung giờ, không vì được tiêm vắc xin rồi mà chủ quan, coi thường phòng dịch...
Tinh thần này cũng được quán triệt trong các chuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố. Khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại quận Cầu Giấy, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm của biến chủng mới, tránh tâm lý chủ quan sau khi hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 1; đồng thời, có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng phương án sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn, thực hiện tổng vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, sẵn sàng cho việc đón học sinh trở lại học tập trung khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát; Bảo đảm giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn...
Có thể nói rằng, đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống dịch. Chỉ một hành động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, an ninh trật tự của thành phố và sinh kế, sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng.
Sự chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh sẽ phải trả giá đắt. Hãy nhìn vào nhiều nước trên thế giới, cả các nước trong khu vực đang phải “oằn mình” chống chọi với Covid-19. Mất mát quá nhiều, hy sinh quá lớn nhưng hiện nhiều quốc gia vẫn chưa chặn được làn sóng dịch đang lây lan trên diện rộng, số ca mắc, tử vong không ngừng gia tăng hằng ngày hằng giờ.
Ở Hà Nội, để người dân bình yên trong đại dịch, cả hệ thống chính trị và người dân đã phải nỗ lực rất nhiều. Đó là những giải pháp, phương án của các cấp ủy, chính quyền từ TP tới địa phương; sự hy sinh to lớn của đội ngũ y tế, quân đội, các lực lượng liên quan đang ngày đêm “oằn mình” chống dịch. Vì vậy, không lý nào để sự vô ý thức, lơ là, chủ quan của một vài cá nhân, ở một vài địa phương khiến cho cả cộng đồng, toàn xã hội phải trả giá.
Chúng ta nhất định không để hình thức nào mang tên “rút kinh nghiệm” và “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Vì thực chất đây chỉ là những từ ngữ có tác dụng thuyên giảm mức độ sai phạm mà thôi. Nếu không triệt để sẽ chẳng có sợi dây nào dài hơn “sợi dây kinh nghiệm” vì đây là sợi dây "rút mãi chẳng hết"!Tuân thủ các biện pháp phòng dịch cũng là thể hiện ý thức công dân, vì chính bản thân mình và vì cộng đồng, vì một thành phố Hà Nội ổn định, an toàn và phát triển.