Lý giải vì sao lương cơ sở tăng 30%, lương hưu chỉ tăng 15%
Đề xuất trả lương hưu mới ngay từ ngày 1/7 Tăng lương từ 1/7, phải đặc biệt quan tâm kiểm soát giá Quốc hội đồng ý tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ 1/7/2024 |
Tại cuộc họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội chia sẻ: “Các cụ hưu trí hỏi tôi nhiều lắm, vì sao tăng lương cơ sở 30% mà tăng lương hưu 15%?”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong thông tin tại buổi họp báo |
Ông nói rõ, trước lần tăng lương này, Chính phủ đã có nhiều lần điều chỉnh lương hưu. Theo tính toán của Ban chỉ đạo cải cách tiền lương, với số tăng lương hưu cộng lại qua các đợt, lần tăng lương này, nếu chỉ tăng 11,5% cũng đã ngang bằng với mức tăng 30% lương cơ sở của cán bộ công chức.
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đánh giá, đời sống của người cao tuổi với lương hưu hiện còn khó khăn nên đã cân nhắc để tăng mức 15% như trên.
Về tiến độ cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, nhiều ý kiến băn khoăn về việc đã 3 lần lùi nhưng tới nay chưa hoàn thành nhiệm vụ đưa ra. Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã họp hơn 20 cuộc nhưng mới thực hiện được 4 nội dung, còn 2 nội dung chưa được cũng có lý do.
Cụ thể: Về xác định lương từ vị trí việc làm, nội dung này chưa thực hiện, theo ông Đặng Thuần Phong là do còn có sự thiếu đồng bộ và thống nhất tương đối giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau. Lương của lực lượng vũ trang cũng có biến động nhất định. Ngoài ra, trong số đơn vị lực lượng công lập, số đơn vị tự chủ chi thường xuyên còn thấp. 70% đơn vị chưa tự chủ được hoàn toàn nên Ngân sách Nhà nước phải lo.
Do đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban xã hội, cần cho phép Chính phủ có thêm thời gian tính toán thật kỹ việc giảm biên chế, bố vị trí việc làm... Từ đó, mới tính được cải cách tiền lương. Tới đây, Chính phủ tiếp tục phải rà soát tổng thể, xem xét từng khoản lương...
Quang cảnh buổi họp báo |
Về 9 chế độ phụ cấp còn vướng mắc, ông Đặng Thuần Phong nhấn mạnh, nếu xử lý không đồng bộ dẫn tới nhiều người lao động rất thiệt thòi, đặc biệt người ở vùng sâu vùng xa, khó khăn. Thậm chí, có thể có trường hợp lương của người lao động sau cải cách thấp hơn trước đây.
“Như vậy không khuyến khích được nhân tài, người lao động nói chung. Chính điều này gây ra những bức xúc, tâm tư nhất định của người lao động”, ông Đặng Thuần Phong nói.
Để hoàn thiện chính sách cải cách tiền lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội cho rằng Chính phủ cần tiếp tục đánh giá hết sức cân nhắc, kỹ càng để khi triển khai đảm bảo tính khả thi, công bằng, đảm bảo nguồn lực triển khai.