Tăng lương từ 1/7, phải đặc biệt quan tâm kiểm soát giá
Đề xuất trả lương hưu mới ngay từ ngày 1/7 |
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu giải trình. Ảnh: quochoi.vn |
Không để tình trạng “té nước theo mưa” khi tăng lương cơ sở
Chiều 26/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu thảo luận ở hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình cao với các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Theo đại biểu, việc Chính phủ đề xuất tăng mức lương cơ sở 30% vào thời điểm từ 1/7/2024 là hợp lý, khả thi, ứng được một phần sự mong mỏi của cử tri.
Tuy nhiên, do chưa áp dụng cải cách tiền lương nên vẫn tiếp tục áp dụng thang, bảng lương, chế độ phụ cấp như hiện hành. Điều này dẫn đến việc một số bộ phận công chức, viên chức khu vực công trong đó có ngành Giáo dục vẫn còn tâm tư và băn khoăn.
“Tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khi nghiên cứu chính sách cải cách tiền lương tới đây cần thể chế hoá các chủ trương của Đảng bằng luật hoặc các văn bản dưới luật về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp nghề đối với các nhà giáo” - đại biểu Dương Minh Ánh kiến nghị.
Về nguồn kinh phí khi triển khai thực hiện điều chỉnh tăng lương, đại biểu cho biết có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập về lĩnh vực giáo dục và y tế đang thực hiện tự chủ gặp nhiều khó khăn, thậm chí không đảm bảo được nguồn để tăng lương cho cán bộ, viên chức tới đây.
Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn |
Vì thế, đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo, hướng dẫn để các đơn vị tự chủ, đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nếu không đảm bảo được nguồn để chi tăng lương cho cán bộ, viên chức thì sẽ được bố trí nguồn bù đắp từ đâu?
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) kiến nghị Chính phủ cần có những chỉ đạo cụ thể, quyết liệt để kiềm chế lạm phát khi điều chỉnh lương cơ sở; không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa” mỗi khi tăng lương cơ sở, tăng giá hàng hóa ngoài thị trường.
Tăng lương, khả năng CPI tăng khoảng 0,77%
Cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, cơ bản các đại biểu đã đồng tình với báo cáo của Chính phủ, những kiến nghị về cải cách tiền lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội, các chính sách với người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Đồng thời, các đại biểu cũng nêu lên một số hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua và đặc biệt giải pháp trong thời gian tới với nhiều ý kiến xác đáng.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ có báo cáo số 3668 phát hành ngày 26/6 gửi tới đại biểu Quốc hội giải trình các nội dung liên quan tới cải cách chính sách tiền lương.
Các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp thực hiện cho được Nghị quyết số 27-NQ/TW, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về cải cách tiền lương. Đặc biệt, tăng lương lần này phải quan tâm đến kiểm soát được giá, chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Chính phủ đánh giá việc tăng lương có khả năng làm CPI tăng khoảng 0,77%. "CPI tăng chủ yếu là do tâm lý, còn nhu cầu do tăng lương cũng có nhưng không cao. Đồng thời, cung cầu hàng hóa cũng đáp ứng được, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu", Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đồng thời cho hay, công tác tuyên truyền cũng rất quan trọng.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, ngay từ khi chuẩn bị, Chính phủ đã có chỉ đạo, đặc biệt Ban Chỉ đạo điều hành giá và Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo vấn đề này.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn và mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm để đóng góp cho Chính phủ trong chỉ đạo điều hành chung cũng như nội dung này.
Chính phủ đề nghị Bộ Nội vụ tiếp thu, đề xuất với Chính phủ để hình thành những giải pháp thực sự khả thi, thực hiện triệt để.