Mô hình chữa cháy cơ sở: Cánh tay nối dài của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp
Lần đầu tiên diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy trong làng nghề Nâng cao cảnh giác cháy nổ tại các khu vực đông dân cư trong mùa hanh khô Diễn tập chữa cháy và cứu người bị nạn trên sông Hồng |
Phát huy hiệu quả
Như bao làng nghề khác, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín có nghề mộc truyền thống. Nhiều gia đình mở xưởng sản xuất ngay tại nhà. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy cao.
Trước thực tế đó, Công an huyện Thường Tín đã tổ chức Đội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) phản ứng nhanh; Chủ động xây dựng mô hình “Cụm dân cư bảo đảm an toàn về PCCC”.
Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín thông tin, Đội PCCC&CNCH phản ứng nhanh có hơn 30 thành viên. Nhiệm vụ đầu tiên của Đội là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về PCCC.
Khi xảy ra sự cố cháy, nổ, lực lượng tại chỗ này sẽ dùng các trang bị được cấp và bình cứu hỏa, vòi phun nước có tại nhà xưởng để dập cháy, cứu nạn.
Hằng tháng, đội được tập huấn, trao đổi nghiệp vụ về PCCC, CNCH... Hằng năm, thành viên Đội được tham gia diễn tập PCCC với các lực lượng chuyên nghiệp.
Đội PCCC cơ động tình nguyện phường Dịch Vọng Hậu |
Là một trong những mô hình đầu tiên được triển khai trên địa bàn TP, đến nay Đội PCCC cơ động, tình nguyện phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã có 27 thành viên. Các thành viên được trang bị nhiều kỹ năng và nghiệp vụ chữa cháy không kém lính cứu hoả được đào tạo chuyên nghiệp.
Ông Tống Xuân Duy, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết, ra đời từ cuối năm 2016 với hơn 10 thành viên, đến nay Đội hình PCCC cơ động tình nguyện của phường đã lớn mạnh. Nhờ sự quan tâm của các cấp, hằng năm, thành viên trong Đội luôn được đào tạo tập huấn các kỹ năng chữa cháy chuyên nghiệp để về phổ biến trong cộng đồng dân cư. Thời gian qua, địa bàn phường gần như không xảy ra vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Anh Đào Duy Vương, thành viên Đội PCCC cơ động tình nguyện phường Dịch Vọng Hậu cho biết, sau khi thành lập, các đội viên rất tích cực tham gia tuyên truyền dưới khu dân cư dưới nhiều hình thức. Do khu vực phường nhiều ngõ hẹp, nên việc đạp xe gắn loa tuyên truyền vào 6h30 sáng, 19h hằng ngày và phát tờ rơi tới từng hộ dân trên địa bàn phường phần nào đã phát huy hiệu quả, tạo sự tin yêu của bà con.
Diễn tập PCCC tại quận Long Biên |
Còn ở phường Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) với phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ PCCC” đã có 250 hộ có nhà ở kết hợp kinh doanh trang bị đủ thiết bị PCCC tại chỗ, tham gia tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng PCCC.
Chị Nguyễn Thị Dung người dân trên địa bàn phường cho biết, gia đình đã được tổ dân phố và cơ quan chức năng tuyên truyền về PCCC, được tập huấn các kỹ năng cần thiết. Vì thế, gia đình tôi cơ bản đã biết cách phòng cháy và xử lý tình huống cháy ban đầu.
Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, những tổ PCCC cộng đồng thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc dập tắt nhiều đám cháy từ lúc mới hình thành trên địa bàn.
Thiếu tá Trần Xuân Hải, Trưởng Công an phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, ngoài 7 tổ PCCC cộng đồng tại 7 tổ dân phố, phường còn lập hai tổ PCCC lưu động của cơ quan phường. Mỗi tổ từ 15 đến 20 người, chủ yếu là lực lượng dân phòng, thanh niên, cựu chiến binh... Các tổ này được tập huấn về công tác PCCC, cách CNCH, sau đó thường xuyên đến nhà từng hộ dân để tuyên truyền, nhắc nhở về phòng cháy, kịp thời chữa cháy khi có tình huống xảy ra.
Chủ động sáng tạo cách PCCC tại chỗ
Tận dụng thế mạnh làng nghề xã Hữu Bằng, Thượng tá Trần Khải Hoàn, Trưởng Công an huyện Thạch Thất đã yêu cầu nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng linh hoạt xe ba bánh tự chế của người dân vào thực tế công tác PCCC.
Chỉ sau thời gian ngắn, được sự hỗ trợ của Đại học PCCC, ba chiếc xe chữa cháy đầu tiên ra đời.
Thượng tá Trần Khải Hoàn chia sẻ, khi đưa vào sử dụng xe chữa cháy mini có trọng tải hơn 2 tấn, chở theo máy bơm cao áp, bình nước có sức chứa hơn 1.200 lít và nhiều vật liệu chuyên dụng chữa cháy khác. Xe có khả năng chạy len lỏi trong các ngõ nhỏ làng nghề, bảo đảm tiếp cận đám cháy nhanh nhất. "Sức chiến đấu" của ba xe cứu hoả mini bằng 1 xe chữa cháy chuyên dụng.
Lần đầu tiên diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy trong làng nghề |
Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất khẳng định, từ việc triển khai ba xe chữa cháy mini đầu tiên ở xã Hữu Bằng và ra mắt Đội PCCC và CNCH làng nghề Hữu Bằng, sắp tới chính quyền địa phương sẽ tích cực phối hợp cùng lực lượng công an phát huy mô hình chữa cháy tại chỗ tại các làng nghề trên địa bàn.
Trước mắt, sẽ tạo điều kiện để 9 thôn trong xã Hữu Bằng, mỗi thôn có 1 xe chữa cháy nhỏ tự chế. Việc này giúp công tác PCCC phối hợp linh hoạt khi có sự cố, hạn chế tối đa thiệt hại người và tài sản.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Chánh văn phòng Quận uỷ Thanh Xuân thông tin, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm sau một năm triển khai thực hiện thí điểm mô hình điểm “Khu dân cư an toàn PCCC”, ngày 22/10/2020, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Kế hoạch số 233/KH-UBND về xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC” năm 2021.
Mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xây dựng phong trào “Toàn dân PCCC”, xây dựng và củng cố lực lượng PCCC tại chỗ ở địa bàn dân cư theo phương châm “4 tại chỗ”; Đảm bảo làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý, cứu chữa kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, hạn chế cháy lan, không để xảy ra cháy lớn, từng bước giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra...
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đánh giá, các tổ PCCC cộng đồng được triển khai ở các địa phương hoạt động rất hiệu quả. Đây là lực lượng quan trọng ở cơ sở, tích cực tuyên truyền và hướng dẫn người dân chủ động khắc phục ngay những nguy cơ cháy, nổ; đồng thời sẵn sàng sử dụng các phương tiện được trang bị để dập cháy, cứu nạn, giúp giảm thiệt hại khi xảy ra hỏa hoạn tại địa bàn.