Mô hình “Gia đình tình nguyện - cộng đồng tình nguyện”: Lan tỏa những hành động đẹp…
Cả nhà cùng tình nguyện
Công việc tuần tra, bảo vệ an ninh đường phố của ông Kiều Đức Thuần (phường Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn bắt đầu vào 23 giờ đêm và kết thúc vào lúc 2 giờ sáng. Tuy nhiên, không một ai trong gia đình phàn nàn vì họ đều tham gia các hoạt động tình nguyện ở địa phương như ông và cũng rất nhiều hôm phải đi sớm về khuya...
Người dân ở khu dân cư số 8 phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã quá quen thuộc với hình ảnh các thành viên trong gia đình ông Thuần tham gia hoạt động tình nguyện trên địa bàn dân cư. Ông Thuần đảm nhiệm chức Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh và phó trưởng ban bảo vệ phường. Vợ ông, bà Trần Thị Ngọc là thành viên tích cực trong Hội Phụ nữ; còn cậu con trai Kiều Trường Sơn lại nhiệt huyết với các hoạt động Đoàn - Hội và phong trào tình nguyện. Vì vậy, hàng xóm trìu mến gọi gia đình ông là gia đình "cán bộ".
Năm 2001, ông Thuần nghỉ hưu, về tham gia các hoạt động ở tổ dân phố. Chứng kiến cảnh khu dân cư toàn gia đình nghèo, lại nhiều người lao động tự do ở khắp nơi đến gây mất trật tự ông quyết định tham gia đội bảo vệ phường. "Tôi chỉ muốn làm điều gì đó giúp bà con yên tâm làm ăn, khu phố sạch đẹp. Khoảng 23 giờ đêm, chúng tôi sẽ cùng cảnh sát khu vực đi tuần tra, bảo vệ an ninh. Nhiều hôm mưa, rét buốt nhưng lịch đã lên, tôi vẫn làm bình thường" - ông Thuần chia sẻ.
Không chỉ làm việc trách nhiệm, nhiệt tình, ông Thuần còn động viên những người khác cùng tham gia. Từ khi có đội bảo vệ phường, địa bàn dân cư số 8 an toàn hơn. Nhiều bạn trẻ cứ gặp ông là ríu rít cảm ơn vì không ít lần "bác Thuần đứng cả tối để trông xe cho họ yên tâm đi làm".
Ông Thuần bận rộn với việc bảo vệ an ninh, bà Ngọc lại là thành viên tích cực trong tổ hòa giải, vận động người dân có lối sống đẹp của Hội Phụ nữ phường. Bận rộn với công việc nhưng bà luôn thu xếp để tham gia các hoạt động dọn vệ sinh khu dân cư, giúp những vợ chồng trẻ thêm hòa thuận gắn bó.
Cùng giống như gia đình ông Thuần, gia đình ông Phạm Duy Thiệp (khu dân cư số 2, phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) cũng là gia đình tiêu biểu trong mô hình gia đình tình nguyện, cộng đồng tình nguyện. Cả gia đình ông đều tham gia nhiệt tình các hoạt động tình nguyện ở phường. Đặc biệt, từ khi có bố và mẹ cùng tham gia tình nguyện Phạm Minh Phúc, Bí thư Đoàn phường Tứ Liên có được sự hậu thuẫn rất lớn.
“Mỗi lần tổ chức các hoạt động có sự chung tay của 3 đoàn thể (như: vệ sinh môi trường, tuyên truyền trật tự văn minh đô thị…), mình đều được bố tư vấn nhiệt tình. Vì vậy, các hoạt động này đều lại hiệu quả cao” – Phúc cho biết.
“Được người, được việc, được phong trào”…
Theo anh Bùi Thế Cường, Bí thư Quận đoàn Tây Hồ, nhằm triển khai đồng bộ mô hình “Gia đình tình nguyện - Cộng đồng tình nguyện”, Đoàn Thanh niên - Hội LHPN - Hội CCB quận Tây Hồ đã phối hợp xây dựng và triển khai Đề án liên tịch số 193 ĐALT/ĐTN - HLHPN - HCCB ngày 4/5/2015 về việc thành lập các Đội tự quản “Đảm bảo trật tự và văn minh đô thị”. Ban điều hành gồm thành viên đại diện các đoàn thể, qua đó đã thành lập 8 đội tự quản 3+ thực hiện theo các nội dung: Hà Nội xanh, Hà Nội an toàn, Hà Nội nghĩa tình, Hà Nội văn minh.
Sau 3 năm thực hiện, mô hình, mà cụ thể là các Đội tự quản 3+ đã cơ bản thực hiện được mục đích và yêu cầu đặt ra trong việc tham gia đảm bảo trật tự và văn minh đô thị, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ cả nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận, như: Đẩy mạnh việc tuyên truyền xây dựng phường văn hóa, duy trì các đội hình tuyên truyền bảo vệ môi trường, “tổ dân phố không rác”, “tổ dân phố không quảng cáo rao vặt trái phép”; tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng ra quân thực hiện đảm bảo đường thông, hè thoáng…
Quận Long Biên cũng đã triển khai mô hình "Gia đình tình nguyện - cộng đồng tình nguyện" đến các phường từ năm 2014 và được hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều phường có cách làm sáng tạo, tiêu biểu như phường Gia Thụy. Việc triển khai các giải pháp cụ thể trong việc thực hiện mô hình, các phong trào, hoạt động đã phát huy sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, tình nguyện trong việc xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mỗi tổ dân phố của phường sẽ chọn một phần việc để cụ thế hóa mô hình “Gia đình tình nguyện – cộng đồng tình nguyện”. Điển hình như tổ dân phố số 8, xây dựng mô hình cộng đồng tình nguyện trong công tác phòng cháy chữa cháy. Bác Nguyễn Thị Dĩnh, hội viên Hội Phụ nữ tổ dân cư số 8 cho biết: “Với đặc thù đa số các hộ gia đình ở các khu tập thể, chi bộ tổ dân phố đã quán triệt, triển khai 100% đảng viên tự nguyện trang bị bình bọt chữa cháy tại gia đình, từ đó, nhân rộng ra gia đình hội viên của các chi hội đoàn thể. Việc làm này đã được nhân dân đồng thuận cao. Mô hình đã góp phần tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong phòng chống cháy nổ, góp phần để nhân dân yên tâm sinh hoạt và công tác”.
Tổ dân phố số 2 của phường Gia Thụy thì tổ chức mô hình gia đình tình nguyện ở liên gia trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Theo đó, các hộ hàng tuần đều tình nguyện tham gia tổng vệ sinh đường, ngõ, xây dựng đường, phố phong quang, sạch đẹp. Ở tổ dân phố số 15, xây dựng mô hình gia đình tình nguyện trong công tác hiến máu nhân đạo...
Theo Tổ trưởng tổ dân phố số 9 (phường Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội) đối với gia đình tình nguyện chính là tự hòa thuận trong gia đình, đồng thuận với chính quyền, tổ dân phố khi triển khai các nhiệm vụ của địa phương. Từ việc làm tốt của một cá nhân là bác sĩ Vũ Đoan Chung có hơn 20 năm khám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí cho nhân dân tại cộng đồng, tổ dân phố đã chủ động xây dựng mô hình bác sĩ gia đình, tập hợp những người có chuyên môn, tổ chức các buổi khám bệnh miễn phí, tư vấn giúp từng hộ gia đình những kiến thức về phòng chống các bệnh, trồng các cây thuốc nam, tư vấn về sử dụng thuốc an toàn...
“Mô hình đã cho thấy những giá trị tốt đẹp được nhân rộng với vai trò tình nguyện của từng cá nhân, gia đình đóng góp công hiến cho xã hội. Nó giúp những người trẻ như mình có văn hóa ứng xử, ý thức tự giác thực hiện văn minh đô thị, từ đó, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu mạnh, văn minh” – Phùng Bảo Thạch, Bí thư Đoàn Phường Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.
|