Mỗi hộ dân đều cần có phương án phòng chống cháy nổ
626 vụ cháy trong 9 tháng đầu năm
Theo Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy (PCCC) Hà Nội Hoàng Quốc Định, Hà Nội hiện có khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn,... Đây là những loại hình khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Qua thống kê số vụ cháy hàng năm cũng như hậu quả thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra vẫn có dấu hiệu gia tăng (trung bình từ 600 - 800 vụ/năm) và còn xảy ra hàng trăm sự cố tai nạn rủi ro trong cháy, nổ; sập đổ công trình; trong thiên tai, bão, lũ; trong tai nạn giao thông, đuối nước, sự cố thang máy nhà cao tầng… phải tổ chức cứu nạn, cứu hộ.
Đáng chú ý đã xảy ra một số vụ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, như: Vụ cháy Quán Karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy vào ngày 1/11/2016 làm 13 người chết; vụ cháy tại cơ sở sản xuất Sôcôla kết hợp nhà ở tại thôn Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức ngày 29/7/2017 làm 8 người chết...
Địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở các quận nội thành (chiếm khoảng 75%). Chủ yếu ở các doanh nghiệp kinh tế tư nhân và nhà dân (chiếm từ 75% đến 80%). Số vụ cháy lớn chỉ chiếm từ 1 đến 0% nhưng thiệt hại chiếm khoảng 80 đến 85% do xảy ra tại các địa điểm tập trung đông người như nhà cao tầng, quán karaoke, nhà hàng, quán ăn.
Riêng 9 tháng đầu năm 2017, Hà Nội xảy ra 626 vụ cháy, trong đó có 7 vụ cháy gây thiệt hại về người, 9 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản, 20 vụ cháy rừng. Đã có 18 người chết, 9 người bị thương; thiệt hại trên 400 tỷ đồng và 55 ha rừng (so với cùng kỳ năm 2016: tăng 4 vụ cháy; tăng 14 người chết, giảm 6 người bị thương; thiệt hại về tài sản tăng hơn 300 tỷ đồng).
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, thực hiện chỉ đạo của HĐND, UBND TP, Cảnh sát PC&CC Thành phố phối hợp Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã điều tra, thống kê toàn bộ các nhà chung cư cao tầng xây dựng không có giấy phép, xây dựng sai phép không đảm bảo yêu cầu về PCCC, các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng... đã công khai danh sách 79 công trình nhà cao tầng chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã có 19/79 công trình khắc phục các vi phạm về PCCC; còn tồn tại 60/79 công trình đang tiếp tục triển khai thực hiện...
Tuy nhiên, chuyển biến trong nhận thức của người đứng đầu, của người dân về công tác tự phòng ngừa vẫn chưa cao, còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành đầy đủ các quy định về PCCC. Việc đầu tư cho hệ thống PCCC tại chỗ còn mang tính chất đối phó; vẫn còn nhiều vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần, chậm trễ khắc phục kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCC.
Tình hình cháy trong thời gian tới sẽ có thể gia tăng và diễn biến phức tạp, khó lường; tập trung vào các loại hình: Nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ; nhà ống; kho xưởng sản xuất... Đây là các loại hình chứa nhiều chất cháy và có nhiều tồn tại trong công tác PCCC.
Tại khu vực ngoại thành, do tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp nông thôn sang tiểu thủ công nghiệp nên sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, nhu cầu kho bãi, xưởng sản xuất, sử dụng năng lượng, nguồn nhiệt tăng, nguy cơ xảy ra cháy sẽ tăng, nhất là khu, cụm công nghiệp, làng nghề, kho, xưởng sản xuất.
Nguy cơ xảy cháy xảy ra tại các chung cư cũ, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ống trong ngõ sâu, chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa (karaoke, quán bar, vũ trường…), nơi dựng biển, bảng quảng cáo, làm lưới sắt, “chuồng cọp” … Bên cạnh đó các loại hình kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, cơ sở thờ tự cũng tiềm ẩn phức tạp, nếu không được quan tâm làm tốt công tác phòng cháy khả năng cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng là rất cao.
Tăng cường tuyên truyền về kỹ năng thoát hiểm
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP Hà Nội diễn ra mới đây, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam nhận định, các vụ cháy phần lớn do ý thức doanh nghiệp và người dân còn kém, ngoài ra kỹ năng chữa cháy, thoát hiểm của người dân còn yếu. Công tác tuyên truyền vẫn nặng bề rộng mà chưa có bề sâu; việc phối hợp giữa các quận huyện chưa tốt, nhiều nơi còn buông lỏng.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch phường, xã phải có trách nhiệm trong kiểm tra đôn đốc công tác PCCC trên địa bàn. Ban Cán sự Đảng thành phố cần xác định trách nhiệm của các lãnh đạo xã phường, các lãnh đạo phải đi kiểm tra kiểm soát đôn đốc thường xuyên. Các Sở, ban, ngành tập trung tuyên truyền vào những giờ vàng của truyền hình để người dân có những kỹ năng thoát hiểm và kỹ năng phòng cháy.
Chỉ đạo vấn đề này, UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, mặc dù từ năm 2016 đến nay thành phố đã tăng cường kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh các quy định về PCCC song tình hình diễn biến cháy nổ trên địa bàn vẫn rất xấu. Số vụ cháy và số người chết tăng dần theo các năm.
Dẫn chứng vụ cháy làm hai người chết rạng sáng 25/9 ở Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) hay vụ việc đau xót ở Hoài Đức, Bí thư Thành ủy Hà Nội gợi mở, mỗi hộ dân cần xây dựng phương án PCCC; từng cơ sở sản xuất phải có phương án thoát hiểm. “Khi xảy ra cháy, chúng ta phải biết cách thoát hiểm. Mỗi hộ dân cần có phương án thoát hiểm chứ chưa nói đến các cơ sở sản xuất kinh doanh…” - Bí thư Thành ủy chỉ rõ.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng nhắc nhở, lực lượng chức năng cần rà soát lại từng hộ dân, cũng như các cơ sở kinh doanh có điều kiện như vũ trường, karaoke. Theo Bí thư Thành ủy, “đi đường vẫn nhìn thấy các biển quảng cáo lớn bịt hết mặt tiền, rất nguy hiểm”, nên phải tổng kiểm tra, xử lý lại. Đối với các chung cư vi phạm điều kiện PCCC mà chưa khắc phục xong cần phải kiểm tra thường xuyên, quyết liệt hơn; cần xử lý dứt điểm, có kế hoạch, thời gian, rõ trách nhiệm từng người với từng công trình.
Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền cần xuống từng xã phường, lên phương án cho từng hộ; đưa người dân vào đối tượng quản lý PCCC. Đồng thời tăng cường công tác huấn luyện đào tạo, nâng cao chất lượng cho lực lượng PCCC .
Hà Nội hỗ trợ 20 triệu đồng cho 2 nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy tại Xuân Mai Liên quan đế vụ cháy nhà khiến 2 nạn nhân bị thiệt mạng vào sáng 25/9, , tại tổ 2, khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã quyết định hỗ trợ các nạn nhân bị thiệt mạng, mức tiền 10 triệu đồng/người. Tiền ủng hộ sẽ được chuyển về Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chương Mỹ. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chương Mỹ có nhiệm vụ phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi gia đình nạn nhân. Số tiền trên được trích từ Quỹ “Cứu trợ” của TP Hà Nội. |