Mỗi mét vuông của Hà Nội phải mang lại giá trị công nghệ, dịch vụ cao cấp
Tăng cường phối hợp thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại Thủ đô |
Xây dựng hạ tầng thương mại điện tử
Góp ý cho Hà Nội trong phát triển lĩnh vực công thương, Tổng Cục trưởng Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh nêu, thời gian gần đây nổi lên 2 vấn đề là xuất xứ hàng hóa và thương mại điện tử. Trong đó, thương mại điện tử ở Hà Nội rất phát triển.
Ông Linh cho biết, dự kiến 3-5 năm nữa có thể hoạt động thương mại sẽ diễn ra trên mạng là chính, do đó Hà Nội cần có sự phối hợp của các ngành trong quản lý, nhất là lực lượng công an trong quản lý thương mại điện tử. Ngoài ra, vấn đề xuất xứ hàng hóa cũng là vấn đề mới, đòi hỏi phải có sự phối hợp từ biên giới và các cảng…
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc |
Một số ý kiến cũng nêu lên thực trạng, quỹ đất Hà Nội có hạn, kinh doanh bất động sản có lợi hơn rất nhiều nên không ai làm công nghiệp, do vậy, Hà Nội nên sớm bổ sung quy hoạch phát triển, làm sao trên mỗi mét vuông đất phải mang lại giá trị cao nhất, phải là công nghệ cao, ngành dịch vụ cao cấp. Hà Nội là trung tâm của cả nước nên cần chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực, cần có 1 trung tâm logictic hàng không, trung tâm triển lãm...
Nêu ý kiến tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Hà Nội, giúp Bộ và các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao. Theo ông Trần Tuấn Anh, Hà Nội là hình mẫu đưa ra bài học kinh nghiệm về cơ chế chính sách, điều hành, vì vậy, trong chiến lược sắp tới của Hà Nội sẽ phải bao gồm nhiều các nhiệm vụ có vai trò của các bộ, ngành.
Bộ trưởng Bộ Công thương đồng tình với chủ trương định hướng của thành phố mang tính dài hạn, chiến lược, khả thi, có tính thực tiễn, cho phép khai thác tốt dư địa và cơ hội đang mở ra cho Hà Nội.
Nêu vấn đề về bối cảnh hội nhập sâu rộng, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng Hà Nội cần xác định rõ không gian công nghiệp, không gian kinh tế trong các lĩnh vực, mở rộng ra là hệ sinh thái của từng lĩnh vực, cần tập trung nguồn lực xây dựng quy hoạch trong tổng thể quy hoạch quốc gia.
Từ thực tiễn của Hà Nội, một số nhóm giải pháp Bộ Công thương mong muốn Hà Nội tổ chức triển khai tốt như: Tạo cơ chế chính sách cho nguồn lực phát triển, xây dựng thể chế, môi trường đầu tư hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp; Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Muốn vậy, Hà Nội phải cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử để chuyển đổi số trong tương lai; Xây dựng quy hoạch và logistic; Tiếp tục xây dựng hạ tầng phục vụ cho phát triển, trong đó cả hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại...
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc |
Riêng về thương mại điện tử và chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Công thương đánh giá, Hà Nội là trung tâm mạnh nhất về thương mại điện tử, tuy nhiên cần xây dựng một số hạ tầng thương mại điện tử gắn với logistic truyền thống.
Bộ Công thương rất mong Hà Nội tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cho loại hình thương mại này. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ nội địa tiếp cận mặt bằng, logistics qua đó thâm nhập sâu rộng vào hệ thống bán lẻ quốc tế.
Phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá
Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đồng tình và thống nhất với những nội dung hai bên sẽ đẩy mạnh, tiếp tục phối hợp trong thời gian tới. Trong đó, về lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công thương sẽ phối hợp với TP xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp của Hà Nội theo hướng hiện đại, phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá. Nhất là những ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, hàm lượng chất xám cao; Phấn đấu trong nhiệm kỳ tới tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, xây dựng chiếm khoảng 23% trong tổng GRDP của TP.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ tạo điều kiện hỗ trợ TP đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Hai bên sẽ phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong xúc tiến đầu tư FDI và các cụm tiểu thủ công nghiệp, khu công nghệ cao Hoà Lạc. Thông qua tham tán thương mại giúp TP tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng đầu tư, kinh doanh; Nhất là đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao và có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ, ưu tiên liên doanh liên kết theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, Bộ cần rà soát điều chỉnh cập nhật bổ sung quy hoạch về phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến 2020, có xét đến 2030; Phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình, đề án về khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chủ lực; Hướng dẫn TP trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của TP.
Đại diện lãnh đạo TP Hà Nội và lãnh đạo Bộ Công thương ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác |
Về lĩnh vực năng lượng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, Bộ quan tâm chỉ đạo, sắp xếp đủ vốn và các nguồn lực do tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia; Hướng dẫn và phối hợp với thành phố trong thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh bổ sung một số các công trình 120KV, 220KV và quy hoạch phát triển điện lực của giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035; Hướng dẫn thành phố lập phương án cấp điện theo quy hoạch, hướng dẫn triển khai quản lý quy hoạch, phát triển ngành điện tại địa phương, giải quyết kịp thời vướng mắc trong phát triển điện lực. TP tăng cường phối hợp với Bộ trong chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và bền vững.
Trong lĩnh vực thương mại, Bộ Công thương hỗ trợ thành phố xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phục vụ các sự kiện lớn của thành phố; Triển khai có hiệu quả đề án quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn đến năm 2025; Hướng dẫn thành phố trong quá trình nghiên cứu thí điểm triển khai mô hình mới hoạt động logistics, mở rộng hoạt động này; Hỗ trợ thành phố trong triển khai đề án phát triển trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, chợ đầu mối tại Yên Thường (Gia Lâm) và các chợ đầu mối khác trên địa bàn thành phố.
Đồng thời hỗ trợ thành phố trong triển khai thương mại điện tử để Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu trong cả nước về thương mại điện tử; Tổ chức các khoá đào tạo, hỗ trợ kết nối thương mại điện tử với các sàn thương mại lớn trên thế giới, hỗ trợ phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cung ứng sản phẩm hàng hoá; Hỗ trợ TP trong giới thiệu các sản phẩm OCOP và đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.