Mua bán trên điện thoại với "tấm vé ảo" VTicket
(TTTĐ) Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng đã mua được những sản phẩm rẻ nhưng chất lượng... Đó là những tính năng của Dự án VTicket – Mạng xã hội về tiêu dùng cho giới trẻ được đưa đến bởi một nhóm sinh viên Hà Nội.
Các thành viên của dự án Vticket tại lễ trao giải thưởng khởi nghiệp cùng Kawai
Đỗ Hoàng Minh Khôi mới làsinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội nhưng đã có nhiều kinh nghiệm lăn lộn trong môi trường tiêu dùng dành cho giới trẻ. Từ đó, Khôi nảy ra ý tưởng VTicket- Mạng xã hội về tiêu dùng dành cho giới trẻ trên smartphone (điện thoại thông minh). Khôi chia sẻ cùng Thăng Long (Đại học Kinh tế quốc dân) và Trịnh Thị Minh Hương (sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngoại thương Hà Nội) để lập thành một nhóm nghiên cứu.
VTicket là một ứng dụng di động miễn phí, nơi doanh nghiệp kết nối với người tiêu dùng bằng những chiếc vé (ticket). Dựa trên mô hình Win – Win - Win (nhà sản xuất, người tiêu dùng, nhà trung gian) nhưng VTicket là một sự cải tiến hơn so với mô hình groupon (nhóm) hiện nay.
Các doanh nghiệp tham gia mạng xã hội sẽ tạo ra những chiếc vé thông qua việc kết hợp tính năng camera của smarphone và bộ giao diện, kí tự của VTicket. Thông tin giảm giá, thời gian, địa điểm xuất hiện ngắn gọn trên chiếc vé số bắt mắt và "Phòng phát vé" là nơi tổng hợp tất cả các vé theo 4 nhóm: Ẩm thực, mua sắm, giải trí, làm đẹp. Người dùng cũng có thể lọc vé theo chế độ: Mới, hot, ưu đãi, uy tín.
Ngoài ra, các chi tiết khác về cách thức sử dụng cũng như thông tin cơ bản của doanh nghiệp, một số hình ảnh, đánh giá và phản hồi của người tiêu dùng sẽ hiển thị khi người dùng click vào vé số.
"VTicket còn cung cấp các nội dung tiêu dùng mang tính định hướng dành cho giới trẻ, tạo ra môi trường tiêu dùng thú vị, liên tục cập nhật thông tin, tăng sự lựa chọn. Dịch vụ này đặt quyền lợi, tiện ích khi mua hàng của người tiêu dùng lên hàng đầu. Vì thế, nó rất hữu ích trong bối cảnh kinh tế ảm đạm hiện nay"- Minh Khôi cho biết.
Dù trước đó các thành viên của nhóm đều đã có kinh nghiệm va chạm thực tế nhưng để dự án đến với người dùng là một hành trình gian nan. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tiếp thị trực tuyến trên smartphone vì rất nhiều người hiểu nhầm là những thông tin rác hoặc lừa đảo. Các thành viên của nhóm đã phải tiếp cận dần qua người thân, bạn bè... để mọi người có cái nhìn đúng đắn.
Điểm khác biệt của dự án so với các mô hình hiện tại là người dùng không phải trả tiền mà hoàn toàn miễn phí để sở hữu vé. Doanh nghiệp cũng không mất hoa hồng (thường là 10% hoặc 20- 30.000 đồng) chi trả cho VTicket. Doanh nghiệp có thể trực tiếp trả lời khách hàng cũng như theo dõi quá trình phát vé, đo lường hiệu quả của các gói marketing và xây dựng cơ sở dữ liệu của người dùng. Ngược lại, khách hàng cũng có thể phản hồi nếu sản phẩm không chất lượng.
"Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tốc độ tăng trưởng smartphone, với 266% trong 2012 (theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Flurry). Trong đó, người trẻ (15- 30 tuổi) chiếm 72%. Vì vậy, việc phát triển ứng dụng smartphone nói chung và phát triển nội dung tiêu dùng hướng đến giới trẻ nói riêng có tiềm năng lớn, đáp ứng nhu cầu mua sắm thông minh thời số hoá" - Thăng Long chia sẻ.
Thành Nam