Mùa xuân ấm áp, an vui
Xin chữ đầu xuân tại Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 trong khuôn viên Hồ Văn (quận Đống Đa). Ảnh: Nhật Nam
Nhịp xuân vào phố
Gió sông Hồng đuổi nắng rung rinh dọc những con phố chất đầy năm tháng của đất nghìn năm văn hiến. Cái lạnh của mùa đông tan biến đi đâu mất, đất trời rực rỡ đón xuân về. Chiều Ba mươi Tết, phố vắng, không gian như ngưng đọng. Ấu Triệu hanh hao từng khắc đợi tiếng chuông nhà thờ, Hàng Buồm trầm tư sau những ngày rộn rã bán mua. Tràng Thi, Trần Phú, Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh… lặng lẽ như chờ đợi bước chân ai đó. Rồi Phan Đình Phùng hoa sấu, Nguyễn Du hoa sữa cũng ẩn chứa điều gì khác lạ khi mùa xuân cựa mình! Lắng một chút có thể cảm nhận những cái rất riêng của Hà Nội. Chị Hà Ngọc Vân trở về Hà Nội sau nhiều năm đón Tết ở trời Âu, chia sẻ: “Bao nhiêu năm rồi mới có được cái không khí chiều Ba mươi Tết để nhớ lại những kỷ niệm một thời và cảm nhận một Hà Nội của riêng mình, mà không nơi đâu có thể tìm thấy!”.
Mỗi người đều nhận thấy vô vàn cái mới ở thành phố nghìn tuổi trong nhịp sống như đang trở nên gấp gáp hơn. Phố Tràng Tiền trở nên sang trọng và có phần khác lạ dưới ánh đèn lung linh. Dịp Tết này, khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng như nhiều con phố xung quanh được chiếu sáng một cách chuyên nghiệp hơn, cùng những khối trang trí mang “kiểu dáng” thời công nghệ và đây cũng là điểm check in cho không chỉ những người trẻ. Không gian huyền tích rộn ràng thanh âm để rồi trong ai đó cất lên từ trái tim kiêu hãnh: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…”. Và nữa, sách Tết, tranh Tết trở lại sau nhiều năm để nhớ. Tại Nhà sách Tân Việt (số 7, phố Đinh Lễ), độc giả thư thái tìm cho mình tác phẩm yêu thích. Sách về Hà Nội xưa và nay của Vũ Bằng, Thạch Lam, Uông Triều… được nhiều người lựa chọn. Chị Thùy Trâm ở khu chung cư Bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai) nói: “Tôi mua tặng mỗi người trong gia đình một cuốn sách nhân dịp năm mới, cũng là một món quà xuân…”.
Những khu phố bàn cờ chất chứa tinh hoa của đất Kinh kỳ - Kẻ Chợ đã trở thành điểm đón Tết hấp dẫn với du khách khắp nơi và trong khoảnh khắc Hà Nội vào xuân, đây thật sự là một không gian lễ hội, một điểm đến đa sắc tộc, đầy màu sắc, rộn rã thanh âm. Và khi Giao thừa tới, không gian xung quanh hồ Hoàn Kiếm như đông cứng, người nêm người, rồi bất chợt vỡ òa: Pháo hoa bừng sắc vút lên bầu trời rực rỡ mừng đón xuân vui! Mùa xuân gõ cửa mỗi nhà cùng những lời cầu chúc an vui trong một năm mới với vô vàn dự cảm tốt lành.
Sắc xuân bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Nhật Nam |
Trong không gian di sản
Không khí xuân như ngưng lại ở các không gian di sản: Chùa Phúc Khánh, đền Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… Trong thời khắc giao hòa của trời đất, những xúc cảm thiêng liêng như dâng trào từ tâm thức mỗi người.
Chùa Phúc Khánh người ken vào nhau cùng thành kính hướng về một không gian tâm linh, nguyện cầu cho một năm mới an nhiên, thanh thản. Không đợi ngày khai hội, nhiều người Hà Nội về chùa Hương lễ Phật từ ngày đầu năm mới cũng là để tận hưởng không gian non xanh, nước biếc nơi cửa Thiền, đất Phật. Phủ Tây Hồ thờ Mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng linh thiêng chật cứng người. Người dân đổ về cầu một năm an yên với nhiều điều tốt lành sẽ đến.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám nơi “cửa Khổng, sân Trình” thật sự là một lễ hội - hội chữ. Hồ Văn trở thành không gian trình diễn với làng sĩ tử và hoa xuân, giấy dó và mỹ thuật dân gian, rồi không gian sĩ tử đi thi… Rất nhiều điều để nói sau một thời những tưởng chuyện “mực Tàu, giấy đỏ” và “ông đồ già” đã là quá vãng. Anh Hoàng Minh Quang, sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Mấy năm gần đây, thường thì mùng Hai Tết tôi dẫn con trai tới Văn Miếu xin chữ các thầy đồ. Cháu rất thích”. Về câu chuyện chữ nghĩa, theo Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn (Viện Hán Nôm), cách xin chữ, cho chữ ngày nay rất khác so với thời xưa. Trước đây mỗi dịp đầu xuân người ta xin chữ sao cho hợp với tâm nguyện, ý chí của mỗi người hay mỗi gia đình, do vậy phải là những ông đồ học vấn uyên thâm, tài năng đức độ mới có thể cho chữ. Cũng vì thế, con chữ ẩn chứa rất nhiều điều. Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn cho rằng, dù giờ đây, nhiều người trẻ không thật sự hiểu hết ý nghĩa của nét đẹp văn hóa này, thế nhưng việc xếp hàng xin chữ ngày đầu xuân, nói rộng hơn, chuyện trọng chữ là hết sức đáng quý.
Hoàng thành Thăng Long căng tràn gió xuân với một không gian lộng lẫy, tạo liên tưởng về một thuở cung đình cùng vườn chong chóng, những thảm hoa rực rỡ sắc màu. Trong cái nắng rất mùa hè, vài chuyến xe “thả” khách đủng đỉnh du xuân. Thêm một lần khám phá về những trầm tích Thăng Long, trải nghiệm không khí Tết của một thời chưa xa với nhiều người là sự tiếp nối bởi ngỡ ngàng cảm xúc.
Một mùa xuân mới đang về! “Ngay từ lần đầu được ăn Tết ở Hà Nội cách đây lâu lắm rồi, tôi hoàn toàn kinh ngạc và thích thú khi được khám phá một Hà Nội không giống với Hà Nội mọi ngày. Không còn tiếng còi xe và những dòng người tất bật, hối hả. Những con phố bình lặng và trầm mặc đến nao lòng. Mỗi gia đình đều thu mình trong những không gian riêng tư của sự đoàn tụ. Có thể nói cứ vào mỗi dịp Tết, tôi lại tìm thấy một Hà Nội thứ hai”. Ông Emmanuel Cerise, Đại diện Vùng Île-de-France (Cộng hòa Pháp) tại Hà Nội đã nói như vậy.
Tết ở Hà Nội, Tết của người Hà Nội mang một nét riêng không nơi nào có được và mỗi người đều có thể tự cảm nhận cho mình những ấm áp, an vui khi mùa xuân gõ cửa.