Nâng cao chất lượng hoạt động dược lâm sàng chuyên ngành ung bướu
Ung thư là nguyên nhân đứng thứ 2 gây tử vong tại Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội Bùi Vinh Quang cho biết: "Ngày 2/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Kể từ đó, hoạt động dược lâm sàng ngày càng được quan tâm và phát triển nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo sử dụng thuốc đúng, đủ và an toàn. Dược lâm sàng không chỉ dừng lại ở các can thiệp ở mức độ cá nhân mà còn là trách nhiệm tổ chức, xây dựng bộ phận dược lâm sàng của các cơ sở y tế có giường bệnh".
Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội Bùi Vinh Quang phát biểu khai mạc hội thảo |
Đặc biệt, với tỉ lệ mắc mới và tử vong do ung thư ngày càng tăng, dược sĩ hoạt động trong lĩnh vực ung bướu càng có trách nhiệm, thách thức to lớn trong các hoạt động nhằm giảm thiểu sai sót, tăng cường hiệu quả sử dụng và giảm thiểu tác dụng không mong muốn của quá trình điều trị. Sự phối hợp của dược sĩ, bác sĩ và điều dưỡng trong nhóm đa ngành là cần thiết để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe toàn diện dành cho người bệnh.
“Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội là đơn vị chuyên khoa hoàn chỉnh được Bộ Y tế công nhận là tuyến cuối tiếp nhận khám và điều trị các bệnh lý ung bướu cho người dân trên toàn quốc.
Ngoài ra, bệnh viện là đơn vị đầu tiên của Thủ đô được cấp chứng nhận “Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng”. Nhờ áp dụng chính sách thông tuyến bảo hiểm, người bệnh không có giấy chuyển tuyến khi điều trị nội trú tại bệnh viện vẫn được bảo hiểm y tế chi trả như các trường hợp đúng tuyến”, ông Bùi Vinh Quang cho biết.
Bác sĩ nghiên cứu các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân |
Theo một số nghiên cứu, ung thư là nguyên nhân đứng thứ 2 gây tử vong tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Hiện nay, tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư ở nước ta có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Gánh nặng bệnh tật của ung thư không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người bệnh mà còn tác động đến gia đình, xã hội và hệ thống y tế trong bối cảnh nguồn quỹ bảo hiểm y tế còn hạn chế.
Theo thống kê của GLOBOCAN 2020 tại Việt Nam, 3 bệnh ung thư phổ biến nhất bao gồm ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vú. Chi phí điều trị ung thư, đặc biệt là chi phí cho thuốc ung thư là gánh nặng lớn đối với người bệnh và xã hội.
Chú trọng công tác quản lý thuốc bảo hiểm y tế trong lĩnh vực ung bướu
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, khoa Dược lý - Dược lâm sàng, trường Đại học Dược Hà Nội cho biết: "Dược sĩ lâm sàng chuyên khoa ung thư cần tham gia tất cả các hoạt động lâm sàng như thẩm định y lệnh, đi buồng, giao ban, báo cáo ca lâm sàng, hội chẩn đa chuyên ngành, tham gia ý kiến về điều trị cho bệnh nhân ung thư, thông tin thuốc, báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR), nghiên cứu khoa học, đào tạo và tập huấn…".
Đặc biệt, công việc cụ thể của dược sĩ lâm sàng chuyên khoa ung thư, gồm: Khai thác tiền sử sử dụng thuốc và kiểm tra thông tin người bệnh; xem xét sử dụng thuốc trong quá trình điều trị; giám sát sử dụng thuốc cho người bệnh; theo dõi đáp ứng của người bệnh, đánh giá về các vấn đề liên quan đến thuốc trong suốt quá trình điều trị; tư vấn cho người bệnh ung thư và gia đình người bệnh về thuốc điều trị, thông tin cụ thể về an toàn và sự phù hợp của thuốc điều trị, thông tin để theo dõi, phòng ngừa và xử trí tác dụng không mong muốn hay gặp của thuốc và thúc đẩy tuân thủ điều trị.
Theo nghiên cứu về khảo sát, xác định liều sử dụng thông dụng đối với người Việt Nam của thuốc hóa trị liệu đường tĩnh mạch trong giai đoạn 2021 - 2023 cho thấy, trong số các phương pháp điều trị ung thư, hóa trị đường tiêm truyền là phương pháp được sử dụng phổ biến và chiếm phần lớn trong chi phí thuốc tại bệnh viện.
Liều lượng thuốc đưa vào cơ thể người được cá thể hóa tới từng bệnh nhân. Trong khi thuốc trên thị trường được các nhà sản xuất đóng gói ở nồng đồ/hàm lượng quy ước. Theo đó, trước khi đưa thuốc vào cơ thể người bệnh, dược sĩ cần phải chuẩn bị thuốc; thao tác chuẩn bị thuốc sẽ được tối ưu khi mà liều đóng gói tương thích với liều chỉ định của bệnh nhân. Vì vậy tối ưu hóa tỷ lệ mua sắm các dạng đóng gói khác nhau là cần thiết nhằm tối ưu hóa cho thao tác chuẩn bị và chi phí sử dụng thuốc.
Đối với việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý thông qua hoạt động thông tin thuốc, Dược sĩ CKII Phùng Quang Toàn, Phó Ttrưởng khoa Dược, Bệnh viện K cho rằng: "Thông tin thuốc là việc thu thập, cung cấp các thông tin có liên quan đến thuốc bao gồm: Chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, cách dùng, phản ứng có hại của thuốc và các thông tin khác liên quan đến chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc do các cơ sở có trách nhiệm thông tin thuốc thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin của cơ quan quản lý Nhà nước về dược, tổ chức, cá nhân đang trực tiếp hành nghề y, dược hoặc của người sử dụng thuốc.
Chính vì vậy, thông tin thuốc đóng vai trò quan trọng, nhằm đảm bảo sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, đặc biệt trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, hiện nay thuốc điều trị ung thư được nghiên cứu và phát triển ngày càng tăng với nhiều cơ chế mới, vai trò của dược sĩ lâm sàng trong hoạt động thông tin thuốc, sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả trong điều trị là rất quan trọng".
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết: "Chương trình này là dịp để đánh giá kết quả hợp tác giữa ngành Y tế Hà Nội, các đơn vị bệnh viện của thành phố với Đại học Dược Hà Nội.
Qua việc hợp tác, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, vài trò của công tác dược lâm sàng ngày càng được nâng cao, giúp các dược sĩ tự tin cùng phối hợp với các bác sĩ thực hiện tốt việc khám, điều trị người bệnh; Giúp cho các bệnh viện quản lý, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả hơn. Người bệnh có nhiều lựa chọn trong quá trình sử dụng thuốc điều trị được tốt hơn".
Trong những năm gần đây, ngành Y tế cũng rất quan tâm đến hoạt động dược lâm sàng, Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Đông, Đức Giang, Thanh Nhàn... tổ chức nhiều hội thảo quy mô lớn, cập nhật kiến thức chuyên môn cho các dược sĩ về kiểm soát, sử dụng kháng sinh, thuốc đái tháo đường…; hàng quý tổ chức giao ban công tác dược lâm sàng với các đơn vị y tế trong ngành.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội mong muốn, thông qua hội thảo, các bác sĩ, dược sĩ được học tập, chia sẻ kinh nghiệm từ thực hành lâm sàng; Ứng dụng các tiến bộ y học và cập nhật kiến thức về ung thư từ những chuyên gia, bệnh viện chuyên khoa hàng đầu trên cả nước. Các đơn vị tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quản lý thuốc bảo hiểm y tế trong lĩnh vực ung bướu trong thời gian tới.