Ứng dụng công nghệ thông tin trong dược lâm sàng, cảnh báo tương tác các loại thuốc
Việc triển khai công tác DLS mang lại ý nghĩa thiết thực cho các bệnh viện và các trung tâm y tế tại trên địa bàn thủ đô.
Nhờ công tác DLS các bác sĩ được trang bị công cụ hỗ trợ, cảnh báo và cập nhật kiến thức; nâng cao vai trò và vị thế của dược sĩ trong bệnh viện, giảm thời gian rà soát đơn thuốc của dược sĩ; giảm được các sai sót y khoa trong cơ sở khám chữa bệnh; giảm xuất toán BHYT...
TS.BS Nguyễn Đình Hưng- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Theo báo cáo tại hội nghị, hiện ngành y tế Hà Nội có 35/41 bệnh viện có quyết định thành lập bộ phận DLS; 17 bệnh viện bố trí đủ số lượng dược sỹ DLS về tổ chức; 34 bệnh viện có bố trí cán bộ phụ trách DLS; 15 đơn vị phụ trách DLS có chứng chỉ hành nghề có phạm vi DLS; 15 đơn vị có người làm công tác DLS có tham gia khóa đào tạo 120 tiết tại các cơ sở quy định trong văn bản số 821/K2ĐT-ĐT.
Trong năm 2022, Sở Y tế đã có Quyết định 1109/QĐ-SYT phân công Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn chịu trách nhiệm chuyên khoa đầu ngành, chỉ đạo tuyến công tác DLS.
Bệnh viện đã phát huy vai trò đầu ngành hiệu quả, tích cực tổ chức công tác tập huấn, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn bổ ích, trong đó đã tổ chức thành công 4 buổi tập huấn công tác DLS với các nội dung: bình đơn thuốc ngoại trú, chia sẻ hoạt động thông tin thuốc...
Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội đã ký biên bản hợp tác với Trường Đại học Dược Hà Nội. Theo đó, Đại học Dược Hà Nội hỗ trợ các đơn vị trực thuộc Sở Y tế trong việc giám sát sử dụng kháng sinh, hoạt động cảnh báo trong kê đơn thuốc điều trị ngoại trú, hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyên dụng: Navicat, PowerBI…, công tác đào tạo.
Thời gian qua, Trường Đại học Dược Hà Nội hỗ trợ Sở Y tế hướng dẫn 10 đơn vị. Các đơn vị đều đã thành thạo trong việc phân tích tình hình sử dụng kháng sinh tại bệnh viện.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các đơn vị cảnh báo bác sĩ trực tiếp tại thời điểm kê đơn ngoại trú: cảnh báo tương tác thuốc- thuốc, thuốc bệnh, thuốc- chống chỉ định, rà soát chỉ định của thuốc, và cả cảnh báo sử dụng thuốc khi có 1 số kết quả xét nghiệm cận lâm sàng… Đồng thời, hỗ trợ các bệnh viện trong nghiên cứu và báo cáo khoa học...
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã tổ chức được 6 hội thảo cập nhật kiến thức chuyên môn. Từ 24/6/2022 đến nay đã thu thập được 338 báo cáo ADR từ các đơn vị; đã ra 2 cảnh báo văn bản số 2370/SYT-NVD thông báo ADR nghi ngờ liên quan đến thuốc Poltraxon và 3215/SYT-NVD thông báo ADR nghi ngờ liên quan đến thuốc Xenerix để các bệnh viện lưu ý khi sử dụng cho các bệnh nhân.
Sau khi ra thông báo cán bộ DLS một số đơn vị đã làm việc với các khoa lâm sàng và phát hiện được sai sót khi sử dụng Poltraxon cho bệnh nhân nhi (tốc độ truyền cao hơn hướng dẫn sử dụng)...
Phát biểu tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Đình Hưng- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biế: "Để tiếp tục tục phát huy hiệu quả công tác DLS năm 2023, TS.BS Nguyễn Đình Hưng đã yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục phát huy DLS, công tác DLS cần đi vào chuyên sâu hơn, đặc biệt quản lý các bệnh mãn tính, trong đó có bệnh đái tháo đường; bên cạnh bệnh mãn tính cần tiếp tục triển khai DLS trong sử dụng kháng sinh".
Đồng thời, để khẳng định được vị thế DLS phát triển mạnh hay không, Phó Giám đốc Sở Y tế mong muốn tất cả các đơn vị sẽ tổ chức nghiên cứu khoa học phát triển thành phong trào, hướng tới các hội thi về DLS; tổ chức các hội nghị DLS 1 lần/quý từ đó hướng tới hội nghị DLS của hội dược bệnh viện, dự kiến tổ chức vào quý 2 năm 2023.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện tốt công tác đấu thầu thuốc; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành DLS.
Phòng Nghiệp vụ Dược của Sở Y tế sẽ là đơn vị tiên phong trong ngành y tế thực hiện cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính...