Bài 4: Nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ Mặt trận chuyên trách
Đổi mới tư duy trong phát huy vai trò cán bộ Mặt trận Bài 2: Cán bộ không xắn tay làm thì ai nghe mình nói Bài 3: Người nhạc trưởng bắt nhịp đại đoàn kết tại cơ sở |
Hạn chế từ trong nhận thức
Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội, từ đầu nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ TP đã xác định khâu xây dựng, củng cố bộ máy, thực hiện chính sách cán bộ, bồi dưỡng cán bộ là một trong những điểm nổi bật nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Công tác tạo nguồn cán bộ chuyên trách có chuyển biến tích cực từ công tác quy hoạch đến kiện toàn các chức danh, qua đó, bộ máy cán bộ được kịp thời nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ; từ đó giúp cán bộ Mặt trân yên tâm gắn bó công tác, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, nhất là ở cơ sở còn hạn chế về năng lực, trình độ, chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Một bộ phận cán bộ cấp TP là những người được đào tạo từ các ngành chuyên môn khác với công tác Mặt trận, được thuyên chuyển, điều động từ nhiều nơi khác về làm cán bộ chuyên trách của Ủy ban MTTQ TP, chưa được đào tạo về công tác Mặt trận...
Yêu cầu, đòi hỏi đối với cán bộ Mặt trận ngày càng cao, nhất là cán bộ cơ sở (Ảnh minh họa) |
Tại buổi hội thảo về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách của Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn TP diễn ra năm 2023, PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ ra thực trạng: Có lúc, có nơi do nhận thức không đúng về cán bộ chuyên trách Mặt trận, nên đã đưa vào cơ quan Mặt trận những người không làm việc được ở những lĩnh vực khác, hậu quả là làm suy yếu bộ máy Mặt trận.
"Trong mọi hoàn cảnh, cần luôn nhận thức đúng đắn và kiên trì xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách của tổ chức Mặt trận để làm nòng cốt phát triển phong trào, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho Mặt trận trước mắt và lâu dài"- ông Hậu nhấn mạnh.
Từ góc độ địa phương, ông Phạm Minh Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy nêu: Muốn làm tốt công tác Mặt trận trước hết phải có kỹ năng xây dựng chương trình hoạt động, kỹ năng tham mưu, tuyên truyền, giám sát và phản biện. Cơ sở nào cũng có những mô hình thiết thực, nên cán bộ Mặt trận phải dám nói, dám làm.
Thế nhưng, tại cơ sở, kỹ năng này của cán bộ Mặt trận phường còn hạn chế bởi họ không phải cán bộ chuyên trách mà là bán chuyên trách, thu nhập thậm chí không bằng cán bộ tổ dân phố.
“Tôi đề xuất có sự quan tâm hơn đến cán bộ chuyên trách Mặt trận cấp phường trong việc đào tạo nghiệp vụ để nâng cao chất lượng. Đặc biệt, qua thực tế cho thấy chức danh cán bộ chuyên trách Phó chủ tịch MTTQ phường và Trưởng ban công tác Mặt trận không nên kiêm nhiệm, bởi hiệu quả không cao, vì khối Mặt trận rất nhiều việc; đồng thời độ tuổi Trưởng ban công tác Mặt trận không nên vượt quá 65.
Ngoài ra, cơ cở vật chất cho hoạt động Mặt trận ở phường còn hạn chế; chế độ phụ cấp cho cấp phó chuyên trách cũng cần được nâng lên để đủ sống mới có thể gắn bó với công việc"- ông Phạm Minh Hải đề xuất.
Phải thực sự đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ
Quang cảnh Hội thảo thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn TP Hà Nội |
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Mặt trận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hai Bà Trưng Nguyễn Hiền Phương cho rằng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức và Nhân dân về vị trí, vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Nhà nước cần quan tâm hơn đến chế độ, chính sách cho cán bộ Mặt trận có mức lương và phụ cấp phù hợp với vị trí, nhiệm vụ được giao...
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) Nguyễn Duy Tiến cho rằng cán bộ Mặt trận cần đáp ứng được các yêu cầu như: Tính Đảng, có tư duy công tác tổ chức, uy tín, trình độ, kiến thức để làm tốt chức năng tuyên truyền, vận động. Do đó, để nâng cao chất lượng cho cán bộ chuyên trách Mặt trận, cần tăng cường các lớp tập huấn theo hình thức tập trung, cấp chứng chỉ.
Theo TS. Tạ Văn Sỹ, nguyên Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam, hiện việc tuyển dụng cán bộ Mặt trận chuyên trách ở các địa phương do Ban Tổ chức cấp ủy cùng cấp tham mưu thực hiện. Ủy ban MTTQ các cấp chưa được quyền chủ động trong lựa chọn cán bộ phù hợp với điều kiện công tác của đơn vị. Do đó, cần phân cấp cho MTTQ các cấp chủ động tuyển người phù hợp năng lực, sở trường, vị trí việc làm.
TS. Tạ Văn Sỹ cũng chỉ ra thực trạng trong công tác bồi dưỡng cán bộ Mặt trận, đó là chưa thực sự bồi dưỡng lý luận cơ bản một cách hệ thống, khoa học cho tất cả cán bộ chuyên trách của Mặt trận; đồng thời cũng chưa có tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho cán bộ chuyên trách theo nhu cầu công việc. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến cán bộ chuyên trách Mặt trận yếu về lý luận chuyên ngành và kỹ năng nghiệp vụ công tác.
“Để nâng cao chất lượng cán bộ Mặt trận chuyên trách, trong thời gian tới phải thực sự đổi mới công tác bồi dưỡng. Đây là giải pháp then chốt. Cần xác định việc bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận cho cán bộ như đi học lý luận của Đảng”, ông Sỹ nhấn mạnh.