Nâng tầm khát vọng để tỏa sáng
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Hội tụ, lắng đọng và tỏa sáng |
Hà Nội đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội tăng chuyến xe khách phục vụ Nhân dân dịp nghỉ lễ 2/9 Hà Nội chủ động các giải pháp thực hiện chương trình lớp 10 mới |
Ngọn cờ đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám
Mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân cả nước nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đưa Nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người làm chủ đất nước.
Trong cuộc cách mạng “long trời, lở đất” năm ấy, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội có ý nghĩa quyết định, thúc đẩy Tổng khởi nghĩa thắng lợi trên phạm vi cả nước.
Sở dĩ, cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội có vai trò như vậy bởi trước Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng khi là nơi đặt trụ sở của Thống sứ Pháp ở Bắc Kỳ, đại diện triều đình nhà Nguyễn, Bộ Chỉ huy quân Nhật ở Việt Nam và Chính phủ (thân Nhật) Trần Trọng Kim. Hà Nội cũng là nơi tập trung đông đảo các tầng lớp Nhân dân, thanh niên, sinh viên, trí thức, …
Cách mạng tháng Tám năm 1945 để lại nhiều bài học quý |
Được sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, Hà Nội đã chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ mọi việc; Trong đó, chú trọng phát triển lực lượng chính trị, vũ trang và bán vũ trang để khi có điều kiện chớp thời cơ khởi nghĩa, giành chính quyền về tay Nhân dân.
Đảng ta, trong đó có Đảng bộ Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương thành lập nhiều ban, tổ tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân. Các tổ, đội tuyên truyền cổ động, với nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ đi khắp các phố, phường, ngõ, ngách, thôn, xóm, vừa tuyên truyền, vận động Nhân dân vững tin vào đường lối của Đảng, vừa gây thanh thế cho Việt Minh, vừa uy hiếp kẻ thù. Qua đó, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân nêu cao tinh thần đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Đúng 11 giờ, ngày 19/8/1945, một cuộc mít tinh lớn gồm hàng chục vạn người được tổ chức tại Nhà hát Lớn, rồi nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình, tuần hành thị uy. Lực lượng vũ trang tổ chức thành hai khối tỏa đi đánh chiếm các cơ quan trọng yếu của địch
Tối 19/8/1945, các cơ quan quan trọng của triều đình Bảo Đại tại Hà Nội đã về tay cách mạng. Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố. Cả Hà Nội ngập tràn niềm vui, rực rỡ cờ, hoa.
77 năm đã trôi qua, nhìn lại để thấy cuộc khởi nghĩa năm xưa đã được thực hiện và diễn ra một cách chủ động theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “đem sức ta tự giải phóng cho ta”. Hà Nội đã chủ động, tích cực làm tốt công tác chuẩn bị từ lực lượng, cơ sở vật chất đến các phương án. Đồng thời, chủ động tháo gỡ tình thế, tận dụng thời cơ chín muồi để tiến hành khởi nghĩa; Xác định và tổ chức nhanh lực lượng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu.
Với việc đi đầu, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hà Nội đã ghi thêm một chiến công vẻ vang vào trang sử vàng truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Di tích Cột cờ Hà Nội |
Xứng đáng là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ngang tầm Thủ đô các nước phát triển
Phát huy những thành tựu trong các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, trong thời kỳ xây dựng và đổi mới đất nước, Hà Nội đã chủ động, sáng tạo, đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ,… của đất nước.
Cùng với việc tăng trưởng kinh tế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và thu nhập cho người dân; Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế với thủ đô, thành phố của các nước ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu.
Năm 2022, Quốc hội đã thông qua Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với 58,2 km qua địa phận Hà Nội. Vành đai mang tính "đối ngoại" này không chỉ giúp Hà Nội mở rộng không gian phát triển mà gia tăng kết nối liên vùng để các địa phương cùng bứt phá.
Phát huy tinh thần chủ động trong triển khai thực hiện dự án ý nghĩa này, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức họp bàn để triển khai dự án, thành lập ban chỉ đạo của thành phố để triển khai xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm trưởng ban, phân công nhiệm cụ thể để đạt tiến độ, từ giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện quy hoạch hai bên tuyến đường bảo đảm phù hợp quy hoạch và khai thác được quỹ đất, kết nối giao thông…
Với vai trò cơ quan chủ quản, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng dự thảo “Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô” và “Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Vùng triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô”, các dự thảo này cũng đã được gửi lấy ý kiến 2 tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh.
Ngoài kế hoạch phối hợp chung với hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, TP Hà Nội cũng yêu cầu từng địa phương có kế hoạch để phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để hoàn thành sớm nhất các nhiệm vụ thuộc dự án quan trọng này.
Hà Nội đang ngày càng lớn mạnh |
Song song với việc mở rộng không gian phát triển với Dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô, Hà Nội cũng đang bước đầu triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 nhằm xây dựng TP Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Ngay trong những ngày thu tháng 8, các cuộc thi tìm hiểu và triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị diễn ra rầm rộ trên khắp các địa bàn thành phố, tạo khí thế sôi nổi, quyết tâm chính trị sâu rộng trong toàn đảng bộ và Nhân dân Thủ đô.
Tin tưởng rằng, với tinh thần chủ động, quyết tâm chính trị cao cùng lộ trình khoa học, những bước đi thận trọng, Hà Nội tới đây sẽ tiếp tục phát triển xứng tầm, góp phần cùng cả nước hoàn thành khát vọng Việt Nam hùng cường; Ghi thêm một chương mới đầy tự hào trong lịch sử xây dựng và phát triển Thủ đô như chiến thắng của mùa thu 77 năm về trước.