Nên cấm triệt để việc hút thuốc lá trong các cơ sở giáo dục
Hút thuốc lá tại địa điểm cấm sẽ bị phạt tới 500.000 đồng Công bố kết quả cuộc thi online “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử” |
Nhiều sinh viên cho rằng, nên triệt để cấm hút thuốc trong các cơ sở giáo dục |
Trên thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng trong giới trẻ. Ở Mỹ tăng từ 11,7% năm 2017 lên 27% năm 2019; 2/3 số người hút thuốc lá điện tử là thanh thiếu niên. Nghiên cứu tại 13 quốc gia Đông Âu: 2,6% thanh thiếu niên không hút thuốc lá đã từng thử hút ENDS ít nhất ba lần.
Tại Việt Nam, theo Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), tính đến năm 2019, có khoảng 2,6% thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 13 - 17 đang sử dụng thuốc lá điện tử. Thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng đều chứa chất nicotine gây nghiện, có thể gây nguy hại đến hệ hô hấp và tim mạch của chính người hút và cả những người chung quanh.
Trước những tác hại to lớn của thuốc lá, quy định có tính chất “nới lỏng” việc hút thuốc trong cơ sở giáo dục này khiến không ít sinh viên trăn trở. Bày tỏ băn khoăn về quy định này, Phạm Thị Nga (sinh viên trường Cao đẳng Dược Hà Nội) chia sẻ: “Quy định này chắc khác nào tạo cơ hội cho các bạn vô tư hút thuốc như chốn không người. Nếu không triệt để cấm hút thuốc tại môi trường đại học hay các trường nghề, mình nghĩ sẽ ngày càng có nhiều sinh viên hút thuốc hơn. Nó không chỉ có hại cho sức khoẻ của chính các bạn mà còn nguy hiểm với thầy cô, bạn bè xung quanh, ảnh hưởng xấu tới văn minh trường học”.
Cũng có chung nỗi băn khoăn này, Cao Văn Linh (sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội) tâm sự: “Hầu hết thanh niên chúng em ý thức được tác hại của thuốc lá với sức khỏe. Vì thế, nhiều bạn nói không với thuốc lá. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc 100% sinh viên không hút thuốc lá. Trong môi trường sư phạm, nếu thấy bạn nào đó “phì phèo” điếu thuốc, sẽ rất phản cảm và làm ảnh hưởng đến môi trường chung. Vì thế, tốt nhất là nên cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong môi trường giáo dục”.
Nguyễn Công Mạnh - sinh viên trường Đại học Xây dựng (Hà Nội) chia sẻ: Hiện nhiều vị trí trong trường đều dán biển “Cấm hút thuốc lá”. Việc này đã và đang được sinh viên trong trường chấp hành, thực hiện tốt. Vì vậy, nếu bây giờ có thêm quy định không cấm hút thuốc ở cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có khối lớp học và khối tích trên 5000m3 chắc khác nào “nới lỏng”, tạo cơ hội cho sinh viên được hút thuốc. Như vậy, công sức cổ động, tuyên truyền bấy lâu nay về môi trường học đường không khói thuốc sẽ mất đi giá trị.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Hoa - Viện Y học cổ truyền Trung ương: Hút thuốc lá thụ động gây nguy hiểm hơn so với hút thuốc lá chủ động. Hút thuốc lá thụ động có nhiều gấp 3 đến 4 lần các chất độc hại. Khói thuốc có thể tồn tại ở tất cả các khu vực công cộng và đặc biệt không có mức an toàn khi tiếp xúc với khói thuốc. Vì vậy, quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nơi làm việc không khói thuốc nhằm giảm bớt việc tiếp xúc với khói thuốc lá và các vấn đề sức khỏe liên quan.
Với quy định sẽ không bị cấm hút thuốc hoàn toàn đối với các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có khối tích trên 5.000m3, TS. Phạm Huy Cường - Phó trưởng phòng Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Tôi khá bất ngờ và chưa hiểu cơ sở khoa học nào cho con số đó nhưng rõ ràng không nên áp dụng cứng nhắc các thông số tiêu chuẩn vào các không gian đặc biệt như bệnh viện hay cơ sở giáo dục. Cần kiên quyết và cấm tuyệt đối khói thuốc lá trong cơ sở giáo dục”.
Hiện nay, trong khung xử lý kỷ luật các vi phạm của sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thì hút thuốc có thể bị xem xét kỷ luật từ mức cảnh cáo đến buộc thôi học nếu tái phạm.
Điều 2 dự thảo Thông tư hướng dẫn các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, bao gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao theo quy định tại Phụ lục II Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014; Cơ sở giáo dục, trừ cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khối lớp học có khối tích trên 5.000m3.
Dự thảo này nếu chính thức có hiệu lực là mâu thuẫn với Luật Giáo dục 2019.
Tại Điều 22, Luật Giáo dục (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) quy định, hút thuốc là một trong những hành vi nghiêm cấm trong các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, các hành vi uống rượu, bia, gây rối an ninh trật tự, gian lận trong học tập, kiểm tra, thi tuyển sinh... cũng bị nghiêm cấm.
Ngày 26/12/2020, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, phối hợp Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) và Tổ chức Y tế toàn cầu Vital Strategies, chính thức phát động Chiến dịch “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”. Theo đó, các cấp bộ đoàn tiếp tục phát động xây dựng các câu lạc bộ “Nói không với khói thuốc”; mô hình “Cơ quan không khói thuốc lá”; “Chi đoàn không khỏi thuốc lá”, “Trường học không khói thuốc lá”... đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan. Trước đó, bắt đầu từ năm 2018, Trung ương Đoàn đưa nội dung tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá vào Bộ tiêu chí chấm điểm hằng năm để đánh giá, chấn điểm bình xét và thi đua cuối năm đối với các Tỉnh, Thành đoàn, đoàn trực thuộc. |