Hút thuốc lá tại địa điểm cấm sẽ bị phạt tới 500.000 đồng
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong công tác quản lý Nhà nước của ngành Y tế, bên cạnh công tác xây dựng, phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện pháp luật về y tế, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật là hết sức quan trọng để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước của ngành.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã được thực thi nghiêm túc, là công cụ pháp lý góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành Y tế.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị |
Tuy nhiên, Nghị định 176/2013/NĐ-CP cũng bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như vẫn còn một số quy định chưa bảo đảm tính khả thi, khó xác định hành vi vi phạm, mức phạt thấp, không bảo đảm tính răn đe, thẩm quyền xử phạt chưa được phân định cụ thể...
Để khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thay thế Nghị định số 176.
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, bên cạnh triển khai thi hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá là lĩnh vực còn có nhiều hành vi vi phạm, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm còn có khó khăn, vì vậy Bộ Y tế cũng dành thời gian để phổ biến cụ thể, kỹ hơn một số quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo quy định của Nghị định 117, từ ngày 15/11, hành vi hút thuốc tại nơi cấm bị phạt từ 200.000 đến 500.000 đồng thay vì 100.000 - 300.000 đồng như hiện nay.
Một trong những điểm đáng chú ý tiếp theo của Nghị định 117/2020 là đưa mức phạt đối với các hành vi vi phạm về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.
Cụ thể, Nghị định 117 đã bổ sung thêm quy định về việc vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá và nhờ người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá. Theo đó, tại Điều 29 quy định: Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với các hành vi vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá; Nhờ người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá.
Hành vi không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá sẽ bị phạt 30 - 40 triệu đồng trong khi theo quy định hiện hành là 20 - 30 triệu đồng.
Nghị định lần này cũng phân định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để tránh tình trạng các cơ quan không có chuyên môn về y tế có thể thanh tra, kiểm tra và xử phạt đối với các cơ sở y tế có hoạt động chuyên môn.
Nghị định cũng liệt kê cụ thể các chức danh có thẩm quyền xử phạt đối với từng hành vi cụ thể. Nghị định quy định các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về địa điểm cấm hút thuốc lá; Phòng, chống tác hại của rượu, bia...
Bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: "Lâu nay đã có những ý kiến cho rằng chúng ta chưa chú trọng đến công tác kiểm tra và xử phat vi phạm quy định về phòng chống tác hại thuốc lá nhưng với những quy định của Nghị định 117 về tăng thẩm quyền, tăng hình thức xử phạt nguội đối với vi phạm về thuốc lá, hy vọng cơ quan chức năng liên quan tăng cường xử phạt".