Ngành giáo dục Ba Đình ứng dụng ChatGPT trong quản lý và dạy học
Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm Chat GPT - lợi ích và thách thức với giáo dục Vai trò của người thầy không mất đi nhưng sẽ thay đổi trước ChatGPT |
Qua ứng dụng zoom, chuyên gia giáo dục Bùi Duy Phương - CEO Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo Proteacher tham gia tập huấn đã thu hút hơn 500 cán bộ quản lý, giáo viên đến từ các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn.
Cán bộ quản lý, giáo viên quận Ba Đình tham dự tập huấn |
Ông Lê Đức Thuận -Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, với những ích lợi ChatGPT mang lại thì việc tiếp cận phần mềm giúp cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên làm việc thêm tự tin hơn. Đồng thời, góp phần đưa Giáo dục Ba Đình tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu, bắt kịp sự phát triển của công nghệ nhất là quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.
Tại buổi tập huấn, thầy cô giáo đã được trang bị nội dung rất hữu ích trong việc khai thác ChatGPT để thực hiện công tác quản lý, công tác dạy và học. Bên cạnh đó là công tác chủ nhiệm lớp cụ thể như soạn giáo án, ra đề kiểm tra, trả lời tin nhắn phụ huynh học sinh, viết sáng kiến kinh nghiệm, tìm tài liệu cho bài dạy, lập kế hoạch hoạt động cho một chương trình cụ thể. Trong buổi tập huấn, thầy cô giáo cũng được chuyên gia giáo dục Bùi Duy Phương hướng dẫn cách tạo tài khoản ChatGPT.
ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một loại mạng trí tuệ nhân tạo (AI) được huấn luyện bởi công ty OpenAI (Mỹ), có khả năng tạo ra các văn bản, nội dung và câu trả lời một cách tự nhiên và đủ thông minh dựa trên yêu cầu của người sử dụng. Qua buổi tập huấn, thầy cô giáo đều nhận thấy rõ ích lợi của việc sử dụng ChatGPT trong dạy học và biết cách sử dụng hiệu quả ChatGPT.
Chuyên gia giáo dục Bùi Duy Phương - CEO Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo Proteacher Army cũng cho biết, khi sử dụng ChatGPT, giáo viên cần lưu ý đây chỉ là một công cụ hỗ trợ và không thể thay thế hoàn toàn vai trò của giáo viên. Giáo viên cần sử dụng ChatGPT một cách cẩn thận và cân nhắc khi sử dụng kết quả được cung cấp bởi nó.
“Nên đặt câu hỏi rõ ràng và cung cấp đầy đủ thông tin để thu được câu trả lời chính xác. Giáo viên cũng nên kiểm tra lại các kết quả được cung cấp để đảm bảo tính chính xác và phù hợp.
Hơn nữa, giáo viên cần luôn tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin của học sinh và không tiết lộ thông tin cá nhân của học sinh cho bất kỳ ai, kể cả ChatGPT…”, ông Bùi Duy Phương chia sẻ.
Chuyên gia giáo dục Bùi Duy Phương cũng nhấn mạnh, ChatGPT nên được sử dụng như một công cụ phụ trợ để giáo viên hỗ trợ học sinh trong việc học tập. Đồng thời, giáo viên đóng vai trò giám sát và định hướng cho học sinh trong quá trình sử dụng công cụ ChatGPT.